Sunday, August 22, 2010

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Tồn Tâm, Dưỡng Tánh (Ngài Mạnh Tử)

Trích trang Giáo Lý CaoDaism.org

SÁCH MẠNH TỬ

Mạnh Tử là người đắc Đạo. Ngài viết ra một bộ sách tựa là Mạnh Tử. Sách nầy gồm có bảy thiên nói về Chánh trị học.


Tâm Học - Mạnh Tử cũng theo sách Trung Dung, quan niệm rằng: “Thiên mạng chi vị Tánh.”


Chữ Tánh đây tức là phần Thiên lý ở trong người, nó gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, tức là cái Minh Đức đã nói trong sách Đại Học ứng hóa để làm hạnh kiểm của người.


Người ta ai cũng có lòng trắc ẩn, tu ố, cung kính, thị phi.


Lòng trắc ẩn tức là Nhân, tu ố tức là Nghĩa, cung kính tức là Lễ, thị phi tức là Trí.


Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí là bốn cái Đức ở trong Bổn tánh, cho nên người ta muốn làm lành thì dễ như nước ở trên cao chảy xuống thấp, nhưng cũng có người không làm lành được là tại vật dục sở tế, khí bẩm sở cầu, làm cho Bổn tánh Thiên nhiên biến ra Tánh khí chất, hằng khuynh hướng về phàm trần, cầu vui vật chất cho mình mà thôi.


Mạnh Tử khuyên người ta nên giữ cái Thiên căn ấy, để làm chủ động cho đời sống. Giữ Bổn tánh tức là đừng cho nó mờ tối và gắng sức trau giồi cho nó phát triển rất mực, rồi người ta theo đó mà hành động thì mình sẽ trở nên người lành, người tốt.


Tánh là Bổn thể của Tâm, cho nên Tâm Tánh tuy hai danh từ, song sự thiệt thì có một, cho nên Mạnh Tử nói: "Tận kỳ Tâm giả, tri kỳ Tánh giả, Tri kỳ Tánh giả tắc tri Thiên lý, tồn kỳ Tâm, dưỡng kỳ Tánh, sở dĩ sự Thiên dã." Biết hết Tâm là biết được Tánh, biết được Tánh là biết Đạo Trời. Giữ còn cái Tâm, hàm dưỡng cái Tánh, ấy là thờ Trời vậy.


Tồn Tâm - Nghĩa là giữ Tâm cho còn. Vả chăng, người ta sở dĩ đứng đầu trong vạn vật là nhờ có Tâm, và trong thiên hạ sở dĩ có người hiền kẻ ngu, cũng chỉ vì Tâm mà thôi. Thế đủ hiểu Tâm quý báu đến ngần nào.

Mạnh Tử nói: "Quân tử sở dĩ dị ư nhơn giả dĩ kỳ tồn tâm dã." Người quân tử sở dĩ khác với người thường là nhờ giữ còn cái Tâm của họ.


Giữ Tâm cho còn, rồi lại nuôi nó cho mỗi ngày càng thanh khiết thêm hơn. Về phương pháp nuôi Tâm không chi hay bằng ít ham muốn vật chất như sự giàu sang, danh lợi, sắc đẹp hay vui sướng nhĩ mục.


Tồn Tánh Dưỡng Khí - Tánh là lý toàn nhiên ở trong Tâm tức là phần tinh anh của Trời phú cho người.


Mạnh Tử nói: "Nhơn chi sở dĩ dị ư cầm thú giả cơ hy. Thứ dân khử chi, quân tử tồn chi." Người ta sở dĩ khác cầm thú chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Kẻ thứ dân thì bỏ mất, người quân tử thì giữ còn. Nhưng Tánh phải có Khí thì mới đứng vững và sanh-trưởng thêm lên; cho nên kẻ học Tồn Tánh phải dưỡng Khí nữa.


Dưỡng Khí thì phải: "Trì kỳ chí nhi vô bạo kỳ khí." Giữ bền cái Chí mà không làm hại Khí. Giữ Chí nói đây, tức là giữ Tánh về mặt tích cực; chớ chẳng phải Tánh với Chí là hai vật.


Nên hiểu rằng: Lúc tồn Tánh thì Tánh yên lặng tức là Tánh đứng về mặt Tiêu cực; nay dưỡng khí thì phải dùng Tánh về mặt tích cực để vận khí, tức là chí. Bởi vì Tánh là tướng soái của Khí; cho nên dưỡng Khí phải dùng Tánh (Chí) mà cầm giữ và vận hành.


Mạnh Tử nói: "Kỳ vi khí giả chí đại, chí cường dĩ trực dưỡng, dưỡng nhi vô hại tắc, tắc hồ Thiên Địa chi gian." Khí ấy rất lớn, rất mạnh, nếu khéo nuôi nó thì nó có thể đầy khoảng Trời Đất.


Phàm người nào tồn Tánh dưỡng Khí đến công viên quả mãn thì người ấy có thể cảm thông với Trời Đất mà cùng vạn vật đồng nhứt thể.


Thật là Mạnh Tử làm sáng Nho giáo đến chỗ Vũ Trụ hóa Tâm linh để cùng Trời Đất vạn vật đồng thể vậy.


http://caodaism.org/7014/0510-gl.htm#Sach%20Manh%20Tu