Monday, August 30, 2010

Biến Đổi Khí Hậu: Việt Nam 1 trong 10 quốc gia chịu tác động lớn nhất

Việt Nam thuộc Top 10 nước chịu nhiều thiên tai nhất
Bài viết: Đại Dương

(Dân Trí) - Khu vực Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực chịu nhiều thiệt hại nhất và dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu… Riêng Việt Nam là 1 trong số 10 nước trên thế giới chịu tác động lớn nhất.

Sáng 25/8, Hội nghị châu Á về đánh giá tác động thiên tai đã chính thức khai mạc tại TP Huế. Tham gia hội nghị có hơn 60 chuyên gia đầu ngành đến từ 20 quốc gia trên thế giới, đại diện Liên hiệp quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Hội nghị do Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế đăng cai tổ chức với sự tài trợ của Dự án Microdis thuộc Chương trình hành động 6 của Ủy ban châu Âu và được điều phối bởi Trung tâm dịch tễ học thảm họa (CRED), Vương quốc Bỉ.

Trong ba ngày từ 25 đến 27/8, các đại biểu tham dự hội nghị nghe và thảo luận về các tham luận như: Quản lý rủi ro thiên tai ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt ở Việt Nam; Sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trong quá trình lập kế hoạch ứng phó thiên tai ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ; Đánh giá tác động thiên tai ở châu Á;…

Thống kê của tổ chức CRED cho thấy, thiên tai ở châu Á chiếm gần 40% của thế giới và thiệt hại do thiên tai gây ra tại châu Á chiếm gần 60% trong tổng số thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn thế giới. Nghiên cứu năm 2008 của GS Hermi Francisco, Chương trình Môi trường Đông Nam Á cho thấy khu vực châu Á đã phải gánh chịu 85% số lượng các loại thiên tai và 75% tổng giá trị thiệt hại từ giai đoạn 1980 đến 2005 của toàn Thế giới.

Khu vực Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực chịu nhiều thiệt hại nhất và dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu do các loại thiên tai liên quan như lụt, mực nước biển dâng, hạn hán… Đặc biệt, Đông Nam Á còn được xem là vùng “rốn bão” của Thế giới. Riêng Việt Nam là 1 trong số 10 nước trên thế giới chịu tác động lớn nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Hội nghị lần này được tổ chức tại Huế nhằm mục đích chia sẻ, đánh giá những tác động thiên tai, thảo luận về những giải pháp ứng phó hữu hiệu từ các nước trên thế giới để cộng đồng các nước châu Á có kỹ năng đối phó với thiên tai một cách tốt nhất.

Tổ chức Khí tượng Thế giới gần đây đã khẳng định mức độ tích tụ carbon dioxide và các chất gây hiệu ứng nhà kính đạt mức cao hơn bao giờ hết. Đây là hậu quả tất yếu dẫn đến thay đổi khí hậu, kéo theo sự tăng lên về tần suất, cường độ các loại thiên tai trên thế giới.

Những ví dụ cụ thể như hiện tượng khô hạn xảy ra liên tiếp trong 2 năm 2009-2010 ở Australia, Việt Nam và Châu Phi; hiện tượng băng tan ở hai cực với ghi nhận độ lớn khủng khiếp của tảng băng tách ra ở Alaska là 250km; gần đây nhất là lũ lụt và sạt lở đất ở Trung Quốc và Pakistan đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, sức khỏe, đặc biệt là với cộng đồng dân cư nghèo.

Hội nghị lần này cũng là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế trong, ngoài nước chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả trong việc phòng ngừa và giảm thiểu những tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

http://dantri.com.vn/c20/s20-417976/viet-nam-thuoc-top-10-nuoc-chiu-nhieu-thien-tai-nhat.htm