Friday, August 20, 2010

Biến Đổi Khí Hậu: Nắng nóng, hạn hán người dân miền Trung ồ ạt tha hương

Trẻ em nheo nhóc vì vắng cha mẹ ở xóm Hòn Nen, 
xã Mã Thành, Yên Thành, Nghệ An. 
Ảnh: Nguyễn Dũng.

Một cánh ruộng khô cháy 
ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An. 
Ảnh: Trường Long. 

Xin chân thành cảm ơn bài phóng sự chi tiết nhưng không kém phần đau xót, ngậm ngùi của Trường Long – Dũng Nguyễn đăng trên VNExpress, nói lên thực trạng của hâm nóng toàn cầu, một vấn nạn cả thế giới không còn chọn lựa để làm ngơ.

Căn nhà Địa Cầu là gia sản chung của mọi người, và một điều ta có thể chủ động là làm sạch nơi mình ở. Gieo nhân tốt, được quả lành, đó là định luật từ xưa đến nay. Đừng giết thì sẽ không bị giết.

Mong tất cả công dân toàn cầu hãy cố gắng thuần chay để bàn ăn thôi là bãi chiến trường đẫm máu, bởi việc sát sinh là biểu tượng rõ rệt của hủy diệt và chết chóc. Khi bạn gieo sự sống, sự sống sẽ bao quanh bạn. Amen.

Hạn hán, cả nghìn người tha hương kiếm sống

Năm nay nắng nóng và hạn hán kéo dài, đồng ruộng nứt nẻ, núi đồi khô cháy, người dân nhiều vùng quê miền Trung đang ồ ạt tha hương, tìm đường kiếm sống.

Mã Thành là xã miền núi của huyện Yên Thành (Nghệ An), từ xưa vẫn nổi tiếng là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Mấy năm trước, người dân nghèo nơi đây điêu đứng vì loài sinh vật lạ mọc trên đồng ruộng, lấn át cây lúa rồi đến đại dịch vàng lùn xoắn lá. Chưa kịp vực dậy sau những đợt dịch liên tục thì năm nay, người dân nơi đây lại phải chống chọi với hạn hán, nắng nóng khốc liệt nhất từ trước tới nay. Hàng trăm hecta ruộng nứt nẻ, không thể canh tác; hầu hết các khe suối, hồ đập đều cạn khô đáy, các giếng khơi trong làng cũng lần lượt hết nước.

Trước viễn cảnh mùa màng thất bát, đói ăn vì thiên tai, sâu bệnh, dân làng đã rủ nhau tha hương kiếm sống. Hầu hết thanh niên trai tráng, những lao động chính trong các gia đình, đều tìm cách vào Nam hay ra Hà Nội để tìm việc làm.
 

Ông Trần Đình Luân, xóm trưởng xóm Lũy trầm giọng kể: “Xóm tui là một trong những xóm mất mùa đau nhất. Bà con ở đây đều trông chờ vô hạt lúa nhưng lúc thì sâu bệnh, khi lại cỏ dại, giờ lại hạn hán, thiếu nước nên dân làng bỏ đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Xóm có 127 hộ thì hầu như hộ nào cũng có người bỏ làng đi làm thuê, có nhà đi cả hai vợ chồng”.
 

Anh Nguyên xóm Hòn Nen thở dài: “Cũng không ai muốn rời làng kiếm sống nhưng đi làm thuê còn kiếm được ngày vài ba chục ngàn gấp mấy lần làm ruộng. Nếu không đi, cứ tiếp tục sống ở nhà với trung bình mỗi gia đình ba đến bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, thì khốn!”
 

Ông Phan Minh Trọng, Chủ tịch UBND xã Mã Thành cho biết, toàn xã có 1460 hộ, 7054 nhân khẩu, người xa quê đi kiếm sống hầu như năm nào cũng có, nhưng năm nay do mất mùa, hạn hán, toàn xã có 375 hecta thì mất mùa đến 90% nên người dân đi làm ăn xa tăng đột biến - gần một nghìn người.
 

Thanh niên, người lớn ồ ạt rời quê, để lại xóm làng toàn là người già yếu, trẻ em khiến cho làng xóm ngày càng vắng bóng, ruộng đồng, vườn tược bỏ hoang. Chợ phiên của xã ngày trước luôn đông đúc, kẻ mua người bán tấp nập nhưng nay rất ít. Không khí buồn tẻ bao trùm cả vùng quê nghèo.
 

Tha hương để kiếm tiền, vượt qua cái đói, để lại con cái, ruộng vườn, nhà cửa cho người khác trông hộ, rất nhiều em bé ở phải sống trong cảnh xa hơi ấm bố mẹ, nheo nhóc cùng ông bà.
 

Năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng ông Nguyễn Biểu ở xã Thanh Tùng (huyện Thanh Chương, Nghệ An) vẫn phải chăm bẵm đứa cháu nội mới hơn 1 tuổi. Mấy tháng sau khi cháu sinh, bố mẹ chúng cùng nhau vào Nam kiếm sống, để lại con cho ông bà chăm sóc. “Ở đây, rất nhiều bậc ông bà phải chấp nhận cảnh như vậy để bố mẹ chúng đi làm ăn. Xa bố mẹ, những đứa trẻ này thiếu thốn đủ bề. Nhiều lúc, đang đêm, cháu nó tỉnh dậy khóc gọi mẹ, ông bà thương cháu quá, cùng nhau ôm cháu mà khóc”, ông Biểu thở dài ngao ngán.
 

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành lao động thương binh xã hội huyện Diễn Châu (Nghệ An), ở huyện có trên 20.000 lao động đi làm công nhân các tỉnh phía Nam, hoặc làm ăn xa nhà. Theo đó, có trên 3.000 trẻ em phải sống xa bố, mẹ, trong đó có khoảng 2.000 trẻ sống xa cả bố và mẹ. Hiện tượng này còn xảy ra rất nhiều ở các huyện khó khăn như Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc… của tỉnh Hà Tĩnh.
 

Một giáo viên tiểu học ở huyện Diễn Châu cho biết, hầu hết học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa, lực học và hạnh kiểm giảm sút so với trước khi bố mẹ chưa đi. Cha mẹ đi làm ăn xa tạo nên một khoảng trống lớn trong ngôi nhà, trong các em. Nhận thức, suy nghĩ, hành động của con trẻ, tất nhiên còn nhiều bồng bột, non nớt, dễ dẫn đến sai lầm, dễ bị cái xấu cám dỗ. Nhà trường chỉ dạy dỗ một phần, chứ không thể gánh vác thêm vài trò làm cha làm mẹ cho học sinh.
 

Miền Trung vẫn đang phải đối mặt với hạn hán gay gắt, sau hạn hán sẽ là mưa lũ rồi đói rét. Những ông bố, bà mẹ, những thanh niên trai tráng miền Trung vẫn tiếp tục bỏ làng ra đi. Phía sau những lần ra đi ấy là sự trống vắng, hoang vu của xóm làng và những em bé đang dật dờ lầm lũi bên ông bà người thân vì thiếu vắng cha mẹ.

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/07/3BA1DA71/