Monday, June 14, 2010

Sức Khỏe Của Bạn: Thiền & Sức khỏe


Bạn thân mến,
Hôm nay ngày đầu tuần vào giữa tháng 6. Có bài hát "Tháng sáu trời mưa," không biết nơi bạn ở có mưa không? Tuần này có Ngày Thế giới Chống Sa mạc hóa và Hạn hán, nhiều nơi trên hành tinh ngày càng khô cằn, có những nơi ngũ cốc không có đủ ăn, nước không đủ uống. Người ta đốn rừng cây để có đất nuôi nông súc lấy thịt, lá phổi của Địa Cầu không còn nguyên vẹn. Ngũ cốc thì dùng để nuôi bò thay vì cho người ăn. Nguồn nước cũng để dành cho nông súc thay vì cho những trẻ em đang chết khát ở một nơi nào đó trên trái đất mỏng manh này, mỏng manh vì thiên tai từ biến đổi khí hậu, vì hâm nóng toàn cầu qua thán khí thải từ loài nông súc.

Và mới đây mà gần nửa năm 2010 đã trôi qua. Có câu: "Thời gian như bóng câu qua cửa" - thời gian qua nhanh như bóng ngựa, phải không bạn? Đời người sống nay chết mai. Dịch cúm gia cầm, bệnh bò điên, cúm heo và biết bao nhiêu bệnh lây lan từ nông súc đang chờ dịp để bộc phát, sẽ là những ám ảnh triền miên của loài người nếu chúng ta không sớm ngừng ăn thịt thú vật hầu giảm thiểu nguy cơ bệnh hoạn. "Sức khỏe là vàng" quả là một châm ngôn đơn giản nhưng vô cùng thâm thúy. Hãy gìn giữ sức khỏe với những thói quen lành mạnh, bạn nhé!

Lúc trước chúng ta có bàn rằng sẽ tìm hiểu về thiền và sức khỏe. Sau đây là trích đoạn buổi giao lưu của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và Tiến sĩ Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Tuyết tại tòa soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị vào đầu năm 2010. Việt Nam Ăn Chay xin chúc bạn một tuần vui, khỏe, và tiến bộ.

Thưa bác sĩ, báo chí, khoa học nói rất nhiều về lợi ích của thiền. Nhưng không lẽ chỉ cần vài ba động tác mà có thể chữa bệnh, liệu như thế có khoa học không? Tôi chỉ nghe báo chí nói nhiều, nhưng thực sự dẫn chứng cụ thể vẫn còn chưa thuyết phục lắm. Vậy bác sĩ có thể nói rõ hơn thiền có tác dụng như thế nào không? (Lê Vinh)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Chữa bệnh thì phải có bác sĩ chứ, phải có y học chứ. Có khi cần phải phẫu thuật, phải mổ xẻ nữa chứ. Đừng nghĩ thiền thay thế bác sĩ. Thiền để “giải thoát” bạn khỏi những stress trong cuộc sống, giúp bạn sống thảnh thơi hơn và hạnh phúc, giảm thiểu bệnh tật, hỗ trợ điều trị…  Còn “vài ba động tác” nhiều khi cũng chữa bệnh được đó chứ. Thí dụ một người bị hạ đường huyết, choáng váng, chóng mặt, ngất xỉu… thì chỉ cần ăn một cục kẹo… sẽ khỏe lại ngay! Thiền đòi hỏi phải thực hành và tự quan sát lấy mình. Đó chính là dẫn chứng cụ thể nhất. Cho nên mới nói “hãy quay về nương tựa chính mình” đó vậy!
 

Âu Mỹ nghiên cứu ứng dụng thiền nửa thế kỷ nay (Vakil, 1950), là một phương pháp trị liệu trong y học (nghiên cứu của Craven, 1980; Haarmon & Myers, 1999).
 

Thiền giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân và giảm số lần đi khám bệnh (theo Orme-Johnson, 1987). Nghiên cứu đối chứng về cơn đau kinh niên, lo âu, trầm cảm, giảm 50% các triệu chứng tâm thần và giảm 70% triệu chứng lo âu (Roth, 1997).

Tích tuổi: Hành giả thiền trên 5 năm có tuổi già sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên 3 yếu tố: huyết áp, điều tiết nhìn gần của thị giác, độ nhạy của thính giác.
 

Một nghiên cứu trên học sinh cấp 2 có thực tập thiền cho thấy học tập tốt hơn, khả năng tập trung, thói quen làm việc, cải thiện hành vi (xung đột, hung hãn), tăng tự tin, hợp tác và quan hệ với người khác (Harrison, 2004).

Thiền giúp giảm cân, giảm béo phì, cai nghiện thuốc lá, nghiện rượu, ma túy… (Alexander, 1994).


Nghiên cứu đối chứng ở 44 bệnh viện: thiền giúp giảm 50% sai sót chuyên môn, từ đó giảm 70% các vụ khiếu kiện của bệnh nhân đối với bệnh viện (Jones, 1988).
 

Thiền ở công nhân kỹ thuật (thực tập trong 8 tuần) cho thấy làm việc phấn khởi hơn, thích thú hơn, nhiệt tâm hơn, giảm thiểu các bệnh cảm cúm thường gặp, trong khi nhóm chứng không có sự thay đổi.

Cháu nghe nói tập yoga không đúng cách và không thường xuyên có thể đưa đến tinh thần không được ổn định. Nhưng nếu tập đúng thì cơ thể và con người trẻ trung và khỏe. Xin bác sĩ và cô Bạch Tuyết cho cháu biết để chọn lựa phương pháp tập thích hợp? Bác sĩ và cô Bạch Tuyết hãy cho một số địa chỉ tập uy tín, khu vực quận Bình Thạnh càng tốt. (Phạm Trần Thanh Trúc)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Yoga và thiền có giống mà cũng có khác. Tập gì đi nữa mà không đúng cách thì cũng có thể bị “tẩu hỏa nhập ma”. Yoga có nhiều loại và tùy tuổi tác, sức khỏe … mà tập. Còn tập thiền ở đâu, cách nào thì… hỏi cô Bạch Tuyết.

TS. NSƯT Bạch Tuyết: Có rất nhiều phương pháp thiền khác nhau và khác nhau rất nhiều từ mục đích của người hướng dẫn cũng như người học nên tôi xin phép không trả lời câu hỏi này.

Kính gửi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc! Xin BS giải đáp một số thắc mắc: Thiền là gì? Thiền học khác Phật học như thế nào? Zen là gì? Học thiền mà không theo đạo Phật được không? (Vũ Quang Hiển)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Thiền đã có từ ngàn xưa. Nhiều tôn giáo ứng dụng thiền vào việc tu tập. Thiền Phật giáo có những sắc thái riêng. Thiền ứng dụng vào y học, vào tâm lý học hiện đại có những sắc thái khác nữa. Zen (Nhật) chính là Thiền (Việt) cũng là Chan (Hoa), cùng có gốc từ Dhyana (Sanskrit), Jhana (Pali).

Chào cô Bạch Tuyết! Cháu thấy giọng hát cô qua hàng chục năm vẫn không thay đổi, vẫn ngọt ngào và truyền cảm. Bí quyết để giữ gìn giọng hát của cô là gì? Có phải do tập thiền đã giúp cô duy trì được giọng hát của mình? (Lý Linh)

TS. NSƯT Bạch Tuyết: Đúng vậy. Vừa có kết quả do thiền, đồng thời, với thức ăn xanh và sạch.

Tôi không là một doanh nhân, cũng không là một công chức. Từ khi thất nghiệp đến giờ, dù không làm gì nhiều tôi vẫn bị stress. Tôi nghĩ thiền không chỉ cho những người bận rộn mà cho cả những người như tôi, bị rối trí vì không có việc gì làm cả. Xin bác sĩ một lời chỉ bảo để làm phương hướng đi cho cuộc đời. Rất cám ơn bác sĩ. (Mai Văn Hải)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Cảm ơn bạn đã tin cậy mà đặt một câu hỏi rất hay. Thiền đâu phải chỉ dành cho giới doanh nhân! Trong đời sống hiện tại, hình như ai cũng bị stress cả, mà “thất nghiệp” là một trong những stress nặng nhất, cũng như ly thân, ly dị, con cái… Vì bạn không cho biết cụ thể tuổi tác, nghề nghiệp ngày xưa… thì khó thể bày tỏ điều gì. Thất nghiệp là “cơ hội” tốt để bạn tranh thủ thời gian đọc sách, nghiên cứu một vấn đề gì đó, học một kỹ năng mới nào đó chẳng hạn làm vườn (trồng cây kiểng), nấu ăn, chụp ảnh, vẽ tranh… và nhất là tập thiền?

Chào TS. NSƯT Bạch Tuyết, chị sẽ nói gì khi gặp một người và người đó nói rằng thiền là mê tín dị đoan? Cám ơn chị. (Minh Luận)

TS. NSƯT Bạch Tuyết: Cũng bình thường thôi, không có gì để nói vì khi chưa hiểu rõ về một vấn đề nào đó thì mọi người có quyền suy nghĩ, quan niệm như họ đang nghe, đang thấy.

Chào chị Bạch Tuyết, tôi rất ấn tượng với những việc làm thiện nguyện, từ thiện của chị lâu nay. Xin hỏi điều đó xuất phát từ tấm lòng của chị từ lâu, hay nhờ theo thiền mà chị ngộ ra những điều đó để theo đuổi một cách nhiệt thành như vậy? Có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong cuộc đời chị trong những chuyến đi như thế không? Khi đọc những bản tin ăn chặn tiền cứu trợ, hỗ trợ đồng bào nghèo khó khăn trên mặt báo, niềm tin của chị vào con người có còn? Chúc chị luôn khỏe để tiếp tục những việc tốt đẹp mình đang làm. (Võ Thị Thu Hiền)

TS. NSƯT Bạch Tuyết: Tôi làm việc thiện là tự nguyện từ lúc 16 tuổi, khi phát hiện làm việc thiện không phải cho người mà trước hết là để cứu mình, để trả ơn cuộc đời. Mỗi hơi thở chúng ta giết bao nhiêu sinh vật li ti, mỗi lần đi đại tiện, tiểu tiện, chúng ta đã vứt vào trái đất này bao nhiêu chất thải nhơ bẩn, ai sẽ đem lại công bằng cho các sinh vật li ti trong trời đất? Và cái vòng tuần hoàn đã phải hoạt động như thế nào? Bao lâu để có nước sạch, không khí sạch trở lại cho người và vật trên hành tinh trái đất?
 

Mỗi chuyến đi từ thiện, tôi thấy mình nhỏ hơn và thấy những vui buồn đời sống cũng như mỗi người chung quanh mình lớn hơn, thiêng liêng hơn. Tôi không để tâm khi đọc những tin tức không hay như bạn vừa kể, vì như quy luật của cuộc sống mỗi người nghĩ và làm gì thì không ai ngoài họ chịu trách nhiệm nhận kết quả hay chịu hậu quả mà bản thân gây ra, tạo nên.

Độ tuổi của doanh nhân trẻ khoảng 30 – 40 tuổi, có mục đích sống nhưng phải nhìn nhận họ sống nhanh, bon chen và không biết cách xả stress. Bác sĩ hãy chia sẻ kinh nghiệm với giới doanh nhân trẻ chúng tôi? (Doanh nhân Đoàn Đình Quốc, giám đốc công ty kiếng Đình Quốc)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Tôi có lời nhắn rằng, với doanh nhân, chúng ta cứ đuổi theo thành tích, đuổi theo kế hoạch thì sẽ cảm thấy mệt mỏi. Chúng ta vô tình làm nô lệ cho chính bản thân mình. Cứ tỉnh táo, thư giãn và thả lỏng… thành công sẽ đến và bản thân của chúng ta cũng sẽ tươi mới hơn, mãn nguyện hơn, hạnh phúc hơn và có sức khỏe hơn. Thiền sẽ giúp ta điều đó.


http://www.dohongngoc.com/web/lom-bom-hoc-phat/thien-va-suc-khoe-nghi-tu-trai-tim/giao-luu-truc-tuyen-%E2%80%9Cthien-va-suc-khoe%E2%80%9D/#more-2892