Wednesday, June 30, 2010

Sức Khỏe Của Bạn: "Toa thuốc cho cúm heo: Ăn chay"


“Vâng, Ăn Chay!”
Bài viết của Vishakha Sharma đăng trên báo “The Pune Mirror,” Ấn Độ, ngày 30 tháng 6, 2010


Do sự quan tâm ngày càng gia tăng trong thành phố về vi-rút cúm heo, Hội Loài người Đối xử Đạo đức với Loài vật (PETA) ở Ấn Độ muốn mọi người biết rằng có một cách đơn giản để ngăn ngừa những bệnh dịch bùng nổ như vậy, ngay cả trước khi có chuyện xảy ra – đó là ăn thuần chay.


Để quảng bá thông điệp này, hôm thứ tư PETA Ấn Độ đã tổ chức một cuộc tụ tập trước chẩn y viện Ruby Hall, một người mặc áo heo cùng những viên y tá cầm bảng đề: “Toa thuốc cho Cúm heo: Ăn chay.”


Theo lời nhóm này, trong khi những giải pháp đơn giản, hợp lý như rửa tay thường xuyên và che mũi, miệng khi hắt hơi đều quan trọng, việc ăn chay đi thẳng vào gốc rễ của vấn đề bằng cách giảm đòi hỏi sản xuất thịt.


Nikunj Sharma, một điều hợp viên lâu năm cho các chương trình vận động của PETA, phát biểu: “Hàng ngàn thú vật trong các xưởng chăn nuôi bị dồn nhét trong các chuồng dơ bẩn, vô cùng chật chội. Họ bị mổ thịt ngay trên sàn nhà bị ô nhiễm bởi phân, ói mửa và những dung dịch bài tiết khác của cơ thể. Những tình trạng như vậy đã đưa đến sự gia tăng những mầm bệnh từ thực phẩm, chẳng hạn như E. coli, campylobacter, salmonella, listeria và những vi khuẩn khác đến từ ruột và phân của thú vật. Như cái tên đã cho thấy, cúm heo và cúm gia cầm đến từ heo và gia cầm. Vi-rút gây ra những bệnh này trong loài vật thường biến thể thành những mầm bệnh có thể gây bệnh tật cho loài người.”

Ông nói tiếp: “Do tình trạng dơ bẩn và căng thẳng trong các xưởng chăn nuôi trên khắp thế giới, heo và những thú vật khác bị cho uống trụ sinh đều đều. Tuy nhiên, những loại trụ sinh này chỉ đủ hiệu quả tạm thời để chống lại vi khuẩn, nhưng hoàn toàn vô dụng đối với các loại vi-rút như vi-rút cúm heo. Vấn đề không chỉ giới hạn trong loài heo mà thôi: bò, gà nuôi trong các xưởng chăn nuôi cũng sống trong điều kiện chật chội, mất vệ sinh, và cũng có thể nhiễm rồi truyền vi-rút cúm cũng như các vi-rút tương tự.”


Ông Nikunj nói thêm: “Thịt có liên hệ trực tiếp tới bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh ung thư; các xưởng chăn nuôi sinh sản nhiều bệnh tật có thể sẽ mang đến cái chết cho tất cả chúng ta. Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe – cho cá nhân và cho toàn cầu – là ăn thuần chay.



http://www.punemirror.in/index.aspx?page=article&sectid=2&contentid=20100630201006300008563767c4f1a3f&sectxslt=


Tuesday, June 29, 2010

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Chữ nhẫn (Giảng Đạo Chơn Ngôn)

The perfecting of one's self is the fundamental base of all progress and all moral development.

―Confucius

Chữ nhẫn 
Trích đoạn “Giảng Đạo Chơn Ngôn” do Giáo sư Thái Đến Thanh biên soạn (1957).

Có tích xưa: Ông Quách-Tử-Nghi, đời nhà Ðường khi còn nhỏ đang đi học, một hôm ông xem kinh Phật thấy câu "Hắc phong xuy châu phiêu nhập chi khổ hải". Nghĩa là luồng gió đen thổi chiếc thuyền trôi vào trong biển khổ. Ông không hiểu ý câu ấy ra sao, bèn đến hỏi một Hòa-Thượng, vị Hòa-Thượng thấy hỏi như vậy, thì thịnh nộ mắng ông Quách-Tử-Nghi rằng mầy còn con nít biết gì mà dám hỏi những câu đó. 

Ông Quách-Tử-Nghi thấy vị Hòa-Thượng trả lời như vậy thì nổi giận hầm-hầm tím mặt. Lúc ấy vị Hòa-Thượng bèn ung dung day lại cười mà cắt nghĩa cho ông Quách-Tử-Nghi biết rằng: Sự thịnh nộ của công-tử từ nãy đến giờ tức là luồng gió đen thổi chiếc thuyền trôi vào biển khổ đó....

Ông Quách-Tử-Nghi hồi tâm tỉnh ngộ, bèn chắp tay tạ ơn vị Hòa-Thượng, đã dùng một cách gián-tiếp mà chỉ giáo cho mình. 

Ôi! Ở đời biết bao nhiêu luồng gió đen, hằng ngày lẩn-quẩn xung quanh mình của chúng ta, nếu chúng ta không hết sức lấy tấm lòng kiên-nhẫn ra chống chỏi, thì cơ hồ thân thể của chúng ta như một chiếc thuyền nhỏ kia, có ngày chìm đắm vào trong bể khổ.

Có bài sách Thầy Tử-Trương hỏi Ðức Khổng-Phu-Tử về chữ nhẫn. "Tử-Trương dục hành từ ư Phu-Tử, nguyện tứ nhứt ngôn vi tu nhân chỉ yếu". Thầy Tử-Trương muốn đi làm việc chánh, bèn đến từ tạ Ðức Khổng-Phu-Tử, xin cho một lời để làm phép sửa mình.

Phu-Tử viết: "Bá hạnh chi bổn nhẫn chi vi thượng". 
Ðức Khổng-Tử nói: Trăm nết chung gốc chỉ có chữ nhẫn là cao thượng hơn hết.
Tử-Trương viết: "Hà vi nhẫn chi."
Thầy Tử-Trương hỏi tại sao mà phải nhịn đó. 
Phu-Tử viết:
Thiên-Tử nhẫn chi quốc vô hại,
Chư-Hầu nhẫn chi thành kỳ đại.
Quan-Lại nhẫn chi tấn kỳ vị,
Huynh-đệ nhẫn chi gia phú-quý,
Phu-phụ nhẫn chi chung kỳ thế,
Bằng-hữu nhẫn chi danh bất phế,
Tự thân nhẫn chi vô họa hoạn.

Nghĩa là: Làm Vua mà biết nhịn thì trong nước không có điều tai hại, bậc chư-hầu mà biết nhịn thì nên nghiệp lớn. Bậc Quan-Lại mà biết nhịn thì phẩm-vị đặng cao thăng. Anh em biết nhịn với nhau thì nhà cửa đặng giàu sang. Chồng vợ biết nhịn thì niềm ân-ái mới đặng trọn đời. Bậu bạn biết nhịn thì danh nghĩa chẳng hư, còn thân của mình mà biết nhịn chẳng lo tai họa.

Tử-Trương viết: "Bất nhẫn hà như". 
Thầy Tử-Trương hỏi: Còn chẳng nhịn thì dường nào? 
Phu-Tử viết:
Thiên-Tử bất nhẫn quốc khống hư,
Chư-Hầu bất nhẫn tán kỳ xu,
Quan-Lại bất nhẫn hình phạt tru,
Huynh-đệ bất nhẫn cát phân cư,
Phu-phụ bất nhẫn tình ý sơ,
Tự thân bất nhẫn hoạn bất trừ.

Nghĩa là: Làm Vua mà chẳng nhịn thì nước phải trống không. Bậc Chư-Hầu chẳng nhịn thì hư bại thân mình. Bậc Quan-Lại không nhịn thì phải chịu hình phạt. Anh em chẳng biết nhịn nhau, thì chia của cắt nhà phân ly thủ túc. Chồng vợ chẳng nhịn thì tình nghĩa ra phai lợt. Còn bổn thân của mình mà chẳng biết nhịn thì mọi việc hoạn họa chẳng dứt....

Ðức Khổng-Tử giải nghĩa các bậc rồi, Thầy Tử-Trương ngậm-ngùi mà than rằng: Phải lắm, phải lắm, thật là khó thay nếu không có chí kiên-nhẫn thì cũng khổ cho bổn phận làm người.

Trong Kinh Hoa-Nghiêm có câu rằng: "Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai". Một phen nư giận nổi lên thì muôn ngàn nghiệt chướng nảy sanh. Trong các kinh sách của Phật, Tiên, Thánh-Hiền hằng ngày dạy nhơn-sanh chữ nhẫn làm đầu, mà con người mơ-màng chưa tỉnh ngộ.

Chúng ta nhận xét qua một trận giông tố, ắt phải có cây ngã, nhà sập, thuyền tàu chìm đắm. Còn người trải qua những cơn thịnh nộ rồi, thường có xảy ra lắm điều tai ương hoạn-họa, khi biết tự-tỉnh ăn-năn thì việc đã muộn rồi.

Vậy mà có nhiều người trải qua biết bao nhiêu lần giông tố, mà cũng không biết kiên-nhẫn chút nào, thật cũng đáng buồn cho đó ... 

Có tích Ông Trương-Công-Nghệ:
Ngày xưa ông Trương-Công-Nghệ chín đời cùng ở với nhau một nhà. Có câu: "Trương-Công-Nghệ cửu thế đồng cư". Vợ chồng con cháu có mấy trăm người mà trọn đời chưa có điều chi xích-mích, trong gia-đình bao giờ cũng đấm ấm như khí hòa mùa xuân.

Ngày kia Vua nghe tin bèn ngự giá đến nhà ông mà hỏi rằng: Nhà của ngươi dùng cách gì mà trong gia-đình vui-vẻ thuận-hòa với nhau như vậy?

Ông Trương-Công-Nghệ bèn viết một chữ NHẪN thiệt lớn vào trong tấm giấy mà dâng lên cho Vua.... 

Vua xem rồi lấy làm kính phục, liền ban cho ông một trái lê thử coi ông xử sự ra sao. Ông bèn sai người cắt trái lê bỏ vào trong cái thùng lớn đổ nước nấu sôi, rồi kêu tất cả người trong nhà đến trước mặt, cho uống mỗi người một muỗng, để gọi là chung hưởng ân Vua.

Ôi! Tấm lòng nhẫn nại của ông quý biết chừng nào.

Ðến đổi nhà của ông có nuôi một trăm con chó, mỗi bữa ăn cho ăn cơm nếu thiếu một con nào thì hết thảy cả bầy đều không ăn đứng đợi....

Sự nhẫn nại của ông kịp đến cả súc vật cũng biết nhẫn nhượng như thế. Ðời nay những người không biết kiên nhẫn mà xem đến truyện của ông thì há chẳng hổ mình lắm sao?

http://www-personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/gdcn/09-gdcn.htm

  

Monday, June 28, 2010

Sức Khỏe Của Bạn: 10 cách làm tan cơn giận

"Trong đầu óc trình duyệt của bạn, hãy làm sạch bộ nhớ... 
sau đó xóa lịch sử... 
rồi điều hướng đến trang mạng trống..."

Những lúc giận dữ đều có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe quý báu của bạn. Hơn nữa, như ông bà mình nói: "Giận mất khôn." Sau đây là 10 đề nghị giúp tan cơn giận nơi làm việc.

(Dân trí) - Quắc mắt, nói những lời cay nghiệt, đập phá mọi thứ, đóng sầm cửa, khóc như mưa,… tất cả những hành động giận dữ đó đều không nên có ở chỗ làm. Vậy khi bạn cáu giận với đồng nghiệp, sếp hay bực tức vì công việc không như ý, bạn phải làm sao?
Ở công sở, chúng ta nên kiềm chế cảm xúc, đừng để nó tự do thể hiện, nó sẽ làm xấu hình ảnh và ảnh hưởng không tốt đến sự nghiệp của bạn. Có 10 cách để “trị” con giận, bạn đã biết chưa?

1. Thư giãn để lấy lại bình tĩnh

Trong cuộc họp nội bộ, khi có ai đó đánh giá thấp phong cách quản lý của bạn hay chỉ trích cách làm việc của bạn, đừng vội phản ứng một cách giận dữ. Hãy lấy lại sự bình tĩnh bằng vài phút thư giãn ngoài ban công và một tách trà nóng giúp đầu óc tỉnh táo. Khi đã bình tĩnh, con người ta ăn nói không ngoan hơn.

2. Hỏi rõ trước khi phản ứng

Khi gặp điều không ưng ý, đừng vội “đốp” lại ngay. Hãy hỏi lại người nói xem ý họ định nói gì, nhỡ đâu bạn hiểu nhầm ý họ thì sao. Khi bạn đã bình tĩnh hỏi lại, người kia có thể cũng thấy mình hơi quá lời, và nói lại với ý nhẹ nhàng hơn, vậy là xung đột đã được hóa giải một cách đơn giản.

3. Áp dụng nguyên tắc “10 giây”

Bạn đang “bí bách”, bức bối trong lòng và chỉ muốn “xả” hết ra cho hả, hãy áp dụng cách hạ nhiệt bằng cách hít thở sâu và nhẩm đếm từ 1 đến 10. Đếm xong số 10 thì sự minh mẫn cũng quay trở lại.

4. Chia sẻ

Bí mật của các cơn giận là phải được trút ra mới hả. Vậy, thay vì trút ra những lời nóng giận với “đối thủ”, bạn hãy tâm sự, kể lể với người đồng nghiệp thân. Như vậy, bạn vừa tránh được một cuộc cãi vã không đáng có, vừa nhận được những lời khuyên tốt từ đồng nghiệp.

5. Tìm niềm vui trong công việc

Đừng làm xấu hình ảnh của mình bằng cách đấm bàn, đá ghế, hò hét loạn xạ hoặc hầm hập như một quả bom. Nên nhớ bạn đang ở trong một môi trường tập thể với những mối quan hệ phức tạp. Hãy quay trở lại với công việc, biết đâu, những cuốn hút chuyên môn sẽ giúp bạn quên đi cơn nóng.

6. Nhận dạng vấn đề

Hãy cảnh giác, có thể người ta biết rằng bạn nóng tính, nên tìm cách chọc tức để làm hỏng hình ảnh của bạn. Đừng mắc bẫy nhé. Nếu họ thích vặn vẹo bạn trong cuộc họp, hãy lường trước mọi câu trả lời và cho họ thấy rằng bạn chẳng “ngán” ai cả. Xác định được vấn đề và tìm hướng giải quyết chính là chìa khóa để hóa giải cơn giận.

7. Đừng tự gây họa

Bạn biết cô đồng nghiệp ngồi cạnh không thích bị làm phiền, sao còn cứ mượn đồ của cô ấy, khiến cô ấy nổi cáu và nói những câu không hay, làm bạn bực mình? Bạn biết anh chàng kia không biết đùa, ai động trêu tí là la ó, vậy sao bạn còn thích chọc ngoáy anh ta? Bạn đã biết cô nàng kế toán của công ty hay soi mói, chỉ trích, vậy thì hãy tránh xa cô ta ra. Đừng tự gây cho mình những rắc rối.

8. Xem lại mình

Người đồng nghiệp cùng phòng chỉ trích cách làm việc thiếu chuyên nghiệp và dềnh dang của bạn, trước khi định cáu giận với anh ta, hãy xem lại mình, có phải bạn như thế thật không? Nếu anh ta nói đúng thì bạn nên cảm ơn anh ấy đã chỉ cho bạn những điểm yếu của mình.

9. Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói

Bạn vẫn định cho nổ tung cơn giận ra vì nếu cứ yên lặng mãi, bạn sẽ điên mất. Vậy trước khi mở lời, thử nghĩ xem nếu mình nói câu này ra, người nghe sẽ cảm thấy thế nào. Nếu mình phải nghe những câu đó, mình sẽ phản ứng ra sao. Cân nhắc thật kỹ trước khi nói, bởi cái gì đã nói ra không rút lại được đâu.

10. Xin lỗi

Sau khi đã nguôi giận, nếu thấy mình đã làm gì thất thố, bạn nên xin lỗi mọi người xung quanh, những nạn nhân vô tình cũng phải chịu cơn giận của bạn, thậm chí xin lỗi cả người đã làm bạn tức nữa. Phương pháp dĩ hòa vi quý này rất có lợi: thứ nhất, nó khiến “đối thủ” của bạn thấy ngượng ngùng; thứ hai: mọi người sẽ thông cảm với bạn hơn, vì lúc đó bạn đang nóng mà; thứ ba: bạn sẽ suy nghĩ lại và thấy hành động giận dữ là sai lầm.

Giờ thì bạn đã hiểu chưa, ở công sở, chữ NHẪN vô cùng quan trọng. Biết nín nhịn không phải là nhu nhược, đó chính là cách để bạn thể hiện bản lĩnh và sự mạnh mẽ của mình trước mọi người. Bạn nên nhớ, người ta đã từng đúc kết: “Phải mất nhiều năm để tạo dựng được danh tiếng, nhưng chỉ cần vài giây để hủy hoại tất cả”.


Quốc Hưng
Theo Askmen

http://dantri.com.vn/c0/s0-144411/10-chieu-dap-tan-con-nong-gian.htm



 

Sunday, June 27, 2010

Quách Tĩnh, Hoàng Dung Ăn Chay (Hồi 4)

~ HB viết tặng 

Quách Tĩnh, Hoàng Dung Ăn Chay Hồi 4 (Tiếp theo kỳ trước)

Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4: Tình bạn trung thành có một không hai

(Bốn người Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Tiểu Oanh, Tiểu Yến dùng xong cơm chay tại Thiên Quán)

QT: Anh tiểu nhị ơi!
TN: Dạ có em!
QT: Anh vui lòng tính tiền giùm chúng tôi nhé!
TN: Dạ được. (bấm đốt ngón tay) Dạ, em cho xin 20 tiền.
QT: (tìm trong ba-lô vải)
HD: (nhanh nhẹn) Em có đây Quách ca. (móc hầu bao)
QT: À, quên há! Em Dung giữ hết tiền mà.
HD: Dạ phải. (nói với tiểu nhị) Chú à, chúng tôi không có tiền nhỏ, gửi chú phần này.
TN: Dạ, em sẽ mang tiền thối lại ngay.
QT: Cám ơn anh. (Tiểu nhị quay đi) Tiểu Oanh, Tiểu Yến, chúng tôi sẽ đưa hai em về gia đình nhé.
HD: Phải đó! Tiểu Yến, em cần về nhà trước, kẻo cha mẹ em lo lắng.
TO & TY: Dạ.
TN: (trở lại) Dạ em xin gửi lại hai vị. (trao tiền thối) Ngoài ra, Thiên chủ nhân có gửi tặng bánh kem chay.
HD: Cám ơn anh. Xin gửi anh chút quà hậu tạ. (tặng tiền boa)
TN: Dạ thôi được.
QT: Không sao, cô nương đã có nhã ý, anh nhận cho vui.
TN: (cảm động) Đa tạ cô nương. Em sẽ để dành mua thức ăn chay cho chú chó của em. Chắc là anh chàng mừng lắm.
QT: Ủa, chó cũng biết ăn chay nữa hả anh?
TN: Dạ biết chứ! Ăn rất là ngon và chỉ ăn chay thôi, không chịu ăn thịt động vật. Em đặt tên là Ka-Xê (KC), nghĩa là Khuyển Ca, vì anh chàng thích ca lắm. Còn thích nhảy múa nữa, nhất là theo điệu "Cha Cha Cha."
(Cả bàn cười rộ)
QT: Chắc là nhớ Cha đó mà.
TY: Em cũng thích chó, nhưng ở nhà không cho. Nói chó dơ.
TN: Không có đâu. KC rất lịch sự, gọn gàng, biết đi – xin lỗi – tiêu tiểu đúng chỗ. Nó thông minh lắm, tôi chỉ nói một lần là nhớ liền. Nó cũng biết mắc cỡ và tế nhị như người ta vậy.
TY: Ồ, dễ thương quá!
TN: Dạ, có Khuyển Ca cũng đỡ buồn, tôi tứ cố vô thân, trôi giạt đến đây tìm kế mưu sinh. KC an ủi và thông cảm tôi nhiều lắm. Tôi sống đơn giản thôi, mướn căn phòng nhỏ để ngủ qua đêm cho tiết kiệm. Nó biết tôi nghèo nhưng không bao giờ bỏ tôi.
TO: Chú đi làm, rồi ai chăm sóc KC hả chú?
TN: Tôi may mắn có người hàng xóm, bác ấy đã nghỉ hưu, nên cũng cần bạn. Mỗi lần bác tập thể dục, nó cũng làm theo. Nó dịu dàng và thương hàng xóm lắm! Bác cũng mến nó, nói nó có tình.
HD: Chúc mừng anh và KC hiền khuyển!
TN: Dạ cám ơn cô nương và chư vị.
HD: Quách ca à, loài chó dễ thương như vậy, chiêu “Đả cẩu bổng pháp” chắc em sẽ xin phép Hồng Bang chủ đổi thành “Đỡ cẩu.”
QT: À, đúng rồi, loài chó nhỏ bé hơn người, đứng chỉ tới đầu gối loài người là cao, lại không có tiếng nói, cần giúp đỡ.
HD: Dạ. Thêm nữa, loài cẩu cũng giúp đỡ cho loài người rất nhiều. Có cẩu cũng đỡ.
TN:  Dạ thưa điều đó đúng 100%. Bởi vậy không nên hại những người bạn này. Có những nơi người ta... không tốt với chó. (rươm rướm nước mắt)
HD: Quách đại hiệp và tôi có nghe qua việc đó.  Nếu anh có tin gì của ai làm tội ác hại chó, có thể mật báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho quan sở tại biết để bảo vệ.
TN: Đội ơn nhị vị. Khuyển Ca biết được đồng loại được giải cứu, chắc sẽ mừng lắm.
QT: Đúng rồi, ở đời không lên lấy mạnh hiếp yếu như thế. Sống trên đời phải đáng mặt trượng phu, ai lại rượt bắt chó để ăn bao giờ.
TN: Dạ đúng. Nhưng em có nghe nói trong giới giang hồ Hồng Bang chủ chuyên về việc này..
HD: Ta sẽ lựa lời trình bày với người; bao nhiêu năm rồi, dòng sông còn có những khúc quanh lên ghềnh xuống thác, huống chi đời người chắc chắn sẽ có khi này khi khác… Không ai đứng mãi một chỗ bao giờ.
TN: Dạ, cô nương dạy chí phải. À, nãy giờ nói chuyện vui, em quên. Thiên Chủ nhân em bảo trao cô nương tấm thiệp này.
HD: Ồ, vậy à? Cám ơn anh.
TN: Dạ em xin phép. (rời khỏi)
QT: Dung nhi, em xem tấm thiệp viết gì.
HD: (mở thiệp, đọc lớn)
“Đa tạ thâm tình
Hẹn ngày tái ngộ
Thiên Quán trường chay
Cố lý thiên thai"
"Phùng Thiện Thiên Phương cẩn bút"
Tên nàng đẹp quá!
Được, chúng ta sẽ xin phép Phùng Thiện Thiên Phương chủ nhân mở hội anh hùng “thịt thiệt là hại” ở đây, Quách ca nhe!
QT: À, nơi đây rộng rãi, sạch sẽ, lại có giàn nhạc ca-ra-ô-kê. Anh đồng ý, Dung nhi!

(Ba cô gái mừng rỡ vỗ tay)

Kỳ tới: Quách Tĩnh, Hoàng Dung đưa Tiểu Yến về gia đình. Tương lai Tiểu Yến sẽ ra sao?

Saturday, June 26, 2010

Nói Không Với Ma Túy: Ngày Quốc tế Phòng chống Ma túy (26/6/2010)


Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon
Thông điệp cho Ngày Quốc tế Phòng Chống Ma túy

"Quan Tâm Đến Sức Khỏe,
Đừng Nghĩ Đến Ma Túy"

Vienna, Áo quốc, Ngày 26 tháng 6, 2010

Trong khi chuẩn bị cho buổi họp thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào tháng 9 năm nay, chúng ta cần nhận ra một cản trở lớn lao cho việc phát triển là do việc ghiền và buôn lậu ma túy. Như chủ đề của năm nay nhấn mạnh, đây là lúc để “Quan Tâm Đến Sức Khỏe, Đừng Nghĩ Đến Ma Túy.”
 

Việc ghiền ma túy là một thử thách sức khỏe rất lớn. Tiêm chích ma túy là nguyên nhân hàng đầu gây lây lan vi khuẩn HIV. Có những nơi trên thế giới, nạn dùng bạch phiến và HIV đã lên đến mức thành bệnh dịch. Vì thế, kiểm soát ma túy – bao gồm phòng chống để giảm những ảnh hưởng độc hại – là một phần quan trọng trong việc phòng chống HIV/AIDS.
 

Ma túy là một mối đe dọa cho môi trường. Trồng coca tàn phá lá phổi của Địa Cầu, những khu rừng mưa mênh mông ở vùng núi Andes cũng như các công viên quốc gia. Hóa chất dùng để chế tạo cocaine thải độc dược vào những dòng suối gần đó.
 

Nạn buôn lậu ma túy cũng khiến sự đoàn kết trong chính phủ, đoàn thể và xã hội bi lung lay. Những tên buôn lậu ma túy thường tìm những con đường nơi luật pháp lỏng lẻo. Thêm vào đó, các tội ác liên quan tới ma túy khiến sự bất an và nghèo khó càng trầm trọng. 
 

Để phá vỡ cái vòng lẩn quẩn này, điều quan trọng là phải khuyến khích sự phát triển ở những vùng lâm nạn trồng ma túy. Công việc của chúng ta để đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và chống ma túy phải đi đôi với nhau. Khi muốn xóa bỏ trồng trọt ma túy, chúng ta cũng phải xóa nghèo.
 

Các chiều hướng đáng lo gần đây – ở tây Phi châu và Trung Mỹ - cho thấy buôn lậu ma túy có thể đe dọa đến an ninh, và ngay cả quyền độc lập, của quốc gia. Đó là lý do Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh nhiều hơn trong việc tăng cường công lý và chống tội ác trong những chương trình xây dựng và vãn hồi hòa bình.
 

Các chính phủ quốc gia cũng phải làm bổn phận của họ. Tôi kêu gọi mọi quốc gia tham gia trong Công ước Liên Hiệp Quốc Chống Tội ác Có Tổ chức Xuyên Quốc gia. Tôi cũng kêu gọi các quốc gia thành viên trong Công ước Liên Hiệp Quốc Chống Tham nhũng theo đúng cam kết của họ, để tăng sự thanh liêm và giảm nạn tham nhũng, nguyên do khiến cho việc buôn bán ma túy quá dễ dàng.
 

Trong Ngày Quốc tế Phòng chống Ma túy, chúng ta hãy quyết tâm đối với trách nhiệm chung trong cộng đồng của chính mình và trong đại gia đình các quốc gia với nhau.
 

Friday, June 25, 2010

Môi Trường Quanh Ta: “Loài người sẽ tuyệt chủng trong 100 năm nữa” (GS Frank Fenner)

Bản đồ tập trung thể hiện vấn đề dân số. 
Dân số trái đất sẽ đạt 7 tỉ vào năm tới.

Báo "Giáo dục & Thời đại" ngày 19 tháng 6, 2010 có đăng bài phiên dịch của Hà Châu, theo báo "Daily Mail," Vương quốc Anh. Đây là một tin mới và khá sôi nổi, nhất là trong giới khoa học, đến từ một vị giáo sư đáng kính người Úc từng được nhiều vinh dự và giải thưởng của Liên Hiệp Quốc (Huân chương Tổ chức Y tế Thế giới), Hội đồng Văn hóa Thế giới (Giải Khoa học Thế giới Albert Einstein 2000), cũng như ngay trên quốc gia ông và Anh quốc, Nhật Bản. Bài viết với tựa đề “Loài người sẽ tuyệt chủng trong 100 năm nữa” đến từ lời cảnh báo của giáo sư Fenner, năm nay 95 tuổi, một nhà thông thái, một vĩ nhân. Nếu không là vĩ nhân là giáo sư Fenner đã không giúp xóa bỏ được bệnh đậu mùa, một căn bệnh truyền nhiễm độc hại chỉ có trong loài người, từng giết chết 60 triệu người ở Âu châu vào thế kỷ thứ 18, gồm 5 nhà vua. Ở Việt Nam, Hoàng tử Cảnh, con trưởng của vua Nguyễn Thế Tổ (tức vua Gia Long), đã mất vì bệnh đậu mùa năm ngài 22 tuổi. Vua Tự Đức cũng vì mang bệnh đậu mùa nên vô sinh, nhận một người con nuôi để nối ngôi là vua Dục Đức. Ngay trong thế kỷ 20, có ít nhất 300 triệu người tử vong vì đậu mùa. Rất gần đây thôi, trong năm 1967, có 15 triệu người chết vì bệnh này. Bệnh đậu mùa là căn bệnh duy nhất của loài người được tiệt dứt, nhờ công lao vĩ đại của giáo sư Frank Fenner. Và giờ đây, ông có một thông điệp quan trọng để nhắn gửi chúng ta.

Vì sao nhân loại sẽ không còn tồn tại trong một thời gian rất ngắn trên dòng chảy không ngừng của vũ trụ?

"Trăm năm trong cõi người ta" giờ đây mang một ý nghĩa mới, khẩn trương hơn, thôi thúc hơn cho những hành động nhanh chóng và tối cần thiết nếu ta còn muốn giữ lại hành tinh Trái đất.

Nạn hâm nóng toàn cầu và dân số bùng nổ sẽ không cung cấp đủ lương thực cho thế giới nếu chúng ta tiếp tục hoang phí tài nguyên - đất, nước, nhân lực, thực phẩm, nhiên liệu v.v. - chỉ để nuôi thú vật lấy thịt và sữa. Mà thịt và sữa đó có những gì? Chỉ toàn là nước mắt và sự đau khổ của chúng sinh. Chỉ toàn là thuốc kích thích tố, trụ sinh, đưa đến những dịch bệnh chết người: bò điên, cúm gia cầm, cúm heo, và bao nhiêu bệnh từ động vật lan truyền sang loài người.

Tạm thời có thể nói ngày xưa không ai cho chúng ta biết rõ cơn khủng hoảng này, nhưng giờ đây rất nhiều khoa học gia và những người thông minh, tài ba nhất hành tinh đã lên tiếng, thiết tưởng mỗi người trong chúng ta cũng nên khiêm nhường, lắng nghe, để rồi suy nghĩ lại (và suy nghĩ nhanh nhanh). Bao giờ cũng vậy, cái ngã to và thói quen luôn là mồ chôn chính bản thân mình. Lần này, nó còn kéo theo cả loài Homo sapiens và những chủng loại khác trên Địa Cầu nữa.

Giải pháp: Làm điều lành (bao gồm ăn chay), lánh điều dữ (bao gồm ăn chay), và thương yêu, đùm bọc nhau (bao gồm ăn chay). Thân này tạm bợ nhưng linh hồn bất biến ngự trị trong đó. Thế chẳng huy hoàng lắm sao?

“Loài người sẽ tuyệt chủng trong 100 năm nữa”

(GD&TĐ) – Giáo sư Frank Fenner, một giáo sư danh dự ngành vi trùng học của trường ĐH quốc gia Australia, đã dự đoán rằng loài người sẽ bị tuyệt chủng trong vòng 100 năm nữa. Ông đã nói rằng loài người sẽ không thể sống vì bùng nổ dân số và “sự tiêu thụ buông thả”.

Giáo sư Frank Fenner đã cảnh báo 
loài người sẽ không thể sống sót nổi vì biến đổi khí hậu 

Ông Fenner còn nói thêm với báo chí Australia rằng rất nhiều loài động vật khác cũng sẽ tuyệt chủng. “Đây là một tình huống không thể thay đổi. Tôi nghĩ đã quá muộn rồi. Tôi cố gắng không thể hiện điều này vì mọi người đang cố gắng làm gì đó” – ông nói.
 

Kể từ khi loài người bước vào kỷ nguyên được gọi là Thế nhân sinh (thuật ngữ được một số nhà khoa học sử dụng để miêu tả giai đoạn gần đây nhất trong lịch sử Trái Đất. Nó không có điểm khởi đầu chính xác, nhưng có thể coi là bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 18, khi những hoạt động của loài người mới bắt đầu có ảnh hưởng toàn cầu đến khí hậu và hệ sinh thái của Trái Đất) – chúng ta đã tạo ra một sự ảnh hưởng lên hành tinh mà có thể cạnh tranh với bất kỳ sự ảnh hưởng của kỷ băng hà hay sao chổi.
 

Ông Fenner, 95 tuổi, người đã giành được các giải thưởng nhờ đã giúp xóa bỏ virus variola đã gây ra bệnh đậu mùa và là tác giả, đồng tác giả của 22 cuốn sách. Ông đã tuyên bố xóa bỏ căn bệnh trên với Hội đồng y tế thế giới năm 1980 và vẫn được coi là một trong những thành tựu lớn nhất của Tổ chức Y tế thế giới.
 

Năm ngoái, những con số chính thức của Liên hợp quốc ước tính rằng dân số thế giới hiện tại vào khoảng 6,8 tỉ người và dự đoán nó sẽ vượt 7 tỉ người vào cuối năm 2011.
 

Ông Fenner cho rằng chính sự thay đổi khí hậu sẽ gây ra thảm họa cho loài người. “Thay đổi khí hậu chỉ đang ở giai đoạn ban đầu mà chúng đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ trong thời tiết rồi” – ông nói.
 

Những người dân da đỏ đã cho thấy không có khoa học và việc tạo ra carbon dioxide, sự nóng lên toàn cầu, họ có thể sống sót trong 40.000 hoặc 50.000 năm nữa. “Nhưng thế giới thì không thể. Loài người sẽ giống như các loài khác mà chúng ta thấy đã biến mất”.
 

Giáo sư Stephen Boyden, một đồng sự của giáo sư Fenner nói rằng trong khi các nhà sinh thái học rất bi quan thì cũng có nhiều quan điểm lạc quan: “Frank có thể nói đúng nhưng một số người chúng tôi vẫn có hy vọng rằng sẽ có nhận thức về tình hình. Kết quả là sẽ có những thay đổi mang tính cách mạng cần thiết để đạt được sự bền vững sinh thái”.
 

Lời dự báo lạnh lùng của giáo sư Fenner được đưa ra sau khi giáo sư Nicholas Boyle của ĐH Cambridge nói rằng khoảnh khắc “ngày tận thế” sẽ xảy ra vào năm 2014 – và nó sẽ xác định thế kỷ 21 là thế kỷ đầy bạo lực và nghèo đói hay hòa bình và thịnh vượng.

Năm 2006, một giáo sư khác là James Lovelock cũng cảnh báo rằng dân số thế giới sẽ chỉ còn 500 triệu người trong vòng thế kỷ tới do sự nóng lên toàn cầu. Ông cho rằng bất kỳ nỗ lực nào đối phó với biến đổi khí hậu sẽ không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ giúp chúng ta có thêm thời gian.  


http://gdtd.vn/channel/2779/201006/Loai-nguoi-se-tuyet-chung-trong-100-nam-nua-1928524/

http://www.dailymail.co.uk/sciencetech/article-1287643/Human-race-extinct-100-years-population-explosion.html


 

Thursday, June 24, 2010

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Tiệc chay cho bạn (Cà tím hấp tương, Gỏi xoài, Gỏi mít non)



Cô Heather Moore, một người thuần chay Hoa Kỳ, gần đây có một bài tựa đề "Đãi Bạn Bè Ăn Tiệc Thuần Chay." Cô có vài mách nhỏ như:

• Đãi một vài món chay "cầu kỳ" cũng như vài món dễ thực hiện. Không phải ai cũng thích nấu ăn, nên bạn cần cho mọi người biết là không phải mất hàng giờ trong bếp để có một buổi chay ngon!

• Nếu bạn không phải là người nấu ăn thành thạo, hãy chọn những món dễ mà bạn đã từng thành công trước đây. (Có thể thí nghiệm nấu thử khi không có khách đến nhà!) 

• Ghi chép sẵn công thức bên cạnh mỗi món để khách cũng có thể học cách nấu. Nhớ chia sẻ một vài thông tin khả quan, chẳng hạn như một người ăn thuần chay có thể cứu hơn 100 thú vật mỗi năm. Đừng kể những chuyện trong lò sát sinh: khách mất cảm hứng, không muốn ăn là một điều không bao giờ tốt! 

• Nếu bạn thích tiệc ngoài trời, có thể dùng lò nướng với những món ăn mùa hè được nhiều người yêu thích.

Nói đến tiệc chay, trang Dinh Dưỡng có đăng một bài với tựa là "Tiệc chay với những món cây nhà lá vườn." Nhìn những món tiệc tươi mát này, có lẽ bạn sẽ thích ngay. Trang Dinh Dưỡng cho biết: 

"Trang Dinh Dưỡng hoạt động trên nguyên tắc chia xẻ cộng đồng và chấp thuận việc đăng lại bài từ trang này với việc ghi rõ nguồn Dinhduong.com.vn. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được những tin bài từ các trang về dinh dưỡng và thực phẩm khác cũng như từ chính độc giả để bạn đọc của Dinh Dưỡng được lĩnh hội thêm những kinh nghiệm hay."

Chúc trang Dinh Dưỡng sẽ có thêm nhiều bài về gia chánh lành mạnh, bổ dưỡng bằng thực vật do bạn đọc sưu tầm và góp ý.

Sau đây mời bạn cùng đọc và thử thực hiện những món này để đãi người thân và chính mình. Riêng hai món gỏi, Việt Nam Ăn Chay nghĩ có lẽ rất thích hợp với ngày cuối tuần, nhất là những nơi trên thế giới đang vào mùa hè.

Từ loại trái có quanh năm như mít, đến trái theo mùa như xoài hay quả cà tím thường chỉ thấy trong gian bếp, tất cả đều có thể trở thành những món thật ngon trên bàn tiệc chay.


1. Cà tím hấp tương gừng

Nguyên liệu
2 quả cà tím
1 nhánh gừng nhỏ
3 thìa súp nước tương
½ thìa súp đường, ½ thìa cà phê ớt

Thực hiện

Cà tím bỏ cuống, cắt lát xéo vừa ăn, rửa sạch để ráo nước.
Gừng gọt vỏ rửa sạch, đập giập, trộn đều với nước tương, đường, ớt băm.
Cho cà tím vào đĩa i-nox, đem hấp vừa chín tới, rưới hỗn hợp nước tương vào, đậy nắp hấp thêm 5 phút nữa. Lấy ra dùng nóng với cơm rất ngon.

Mách nhỏ
Để cà tím hấp không bị nồng mùi và có màu trắng thì khi cắt lát xong đem ngâm khoảng 10 phút trong nước có pha ít muối và vài giọt chanh rồi đem hấp.

2. Gỏi xoài

Nguyên liệu
2 quả xoài tượng xanh
1 củ cà rốt
100g tai heo chay
100g tôm chay đông lạnh, 30g rau răm, 50 đậu phộng rang

Nước trộn
Hòa tan 1 thìa súp nước cốt chanh + 1 thìa súp đường + ½ thìa cà phê ớt xay + 1 thìa cà phê tỏi xay + 1 thìa súp nước mắm chay, nêm chua ngọt, vừa ăn.

Thực hiện
Xoài, cà rốt gọt vỏ, xắt sợi ngâm nước đá cho giòn, vớt ra để ráo nước.
Tôm chay và tai heo chay làm sạch, luộc chín. Tai heo chay xắt lát mỏng, tôm chay chẻ đôi.
Trộn đều tai heo chay, tôm chay, xoài, cà rốt, rau răm xắt nhuyễn với hỗn hợp nước mắm chay đường, cho ra đĩa, rắc động rang lên trên, dùng kèm bánh phồng và  nước mắm chay ngọt.

Mách nhỏ
Để giữ cho xoài và cà rốt giòn, khi xắt sợi xong, trộn chung với 1 thìa súp đường, cho vào túi ni-lông, ướp ngăn lạnh 30 phút, cho ra rổ, vẩy ráo nước trước khi trộn.  

3. Gỏi mít non

Nguyên liệu
400g mít non
100g tôm chay
100g nấm bào ngư
30g rau răm, ½ thìa cà phê hạt nêm nấm, 1 thìa súp dầu thực vật, 2 thìa súp đậu phộng rang, 1 thìa súp hành tím phi

Nước trộn gỏi: hòa tan 1 thìa cà phê tỏi băm + ½ thìa cà phê ớt băm + 2 thìa súp nước tương + ½ thìa súp đường + 1 thìa cà phê nước cốt chanh.

Thực hiện

Mít non rửa sạch, luộc vừa chín tới, lấy ra rửa lại nước lạnh, cắt lát mỏng vừa ăn.
Tôm chay rã đông, cho vào nồi nước sôi trụng sơ, chẻ đôi dọc.
Nấm bào ngư cắt gốc, rửa sạch, nấm lớn xé đôi cho vào chảo dầu nóng xào vừa chín tới, nêm ít hạt nêm để nguội.
Cho mít non, tôm chay, nấm bào ngư xào vào thố, đảo đều với nước trộn gỏi sau đó cho rau răm cắt nhỏ, hành tím phi, đậu phộng rang vào đảo đều, dọn ra đĩa.

Mách nhỏ
Để mít non không bị đen thì nên cho nước luộc nhiều, ngập miếng mít và cho vào 1 thìa cà phê muối trong nước luộc. Món này cũng có thể dùng kèm bánh phồng.


 

Wednesday, June 23, 2010

Cõi Thơ: Tên Em (Quỳnh An)


Tên Em
~ Quỳnh An
Tặng các bạn sống ngoài đại dương với lời chúc trường thọ


Tên em là Cá
Em có một cái đuôi khá lạ
Hai cái vi dễ thương giúp em bơi bơi
Nhiều chị tên Vi có người rất xinh
Em nói chung là những người đẹp
Nếu các chị thương em thì đừng ép
Đập đầu em để nấu canh chua
Cho em được tung tăng trong nước
Chặt mất vi rồi làm sao em bơi?

Tên em là Tôm
Đối với bà xã thì em rất thơm
Mấy cái râu của em vậy mà bả thích
Gia đình em cũng đông con nít
Hai vợ chồng khắng khít đã lâu
Ai lang thang là chuyện của họ
Em thương vợ nên rất chung tình
Nay bỗng đâu vợ em bị bắt
Em một mình lòng đau như cắt
Mấy anh nào có vợ có con
Nhớ thương giùm loài vật như tôm
Cũng có gia đình, cũng yêu thương vợ
Nếu chị nhà bị giết, anh có buồn không?
Cám ơn anh cảm thông.

Tên em là Cua
Tính em không ngang như người ta nói
Thật ra em làm chi cũng đều suy nghĩ
Loài cua em tình hàng xóm rất cao
Ai đánh em, em cũng biết đau
Đừng nói chi mang em rang muối!
Thiền sư Tông Diễn có lần đã thấy
Tổ tiên em nước mắt lưng tròng
Ngài thả cua về với sông nước mênh mông
Nên suốt đời em mang ơn cứu mạng
Với loài người em chỉ muốn làm bạn
Cùng sống hòa bình không phải hận thù nhau
Trong kiếp này và những kiếp sau.

Tên em là Mực
Không biết sao loài người thích ăn mực
Nghe cái tên là thấy tối thui rồi
Tại tên em thì em chịu vậy thôi
Nhưng các bác ăn vào sẽ không còn ánh sáng!
Ở đất liền có nhiều cây trái ngọt
Bác làm ơn ăn trên đó giùm em
Nhào xuống biển làm chi cho em khổ?
Em chỉ muốn sống yên ngày hai buổi
Không hồi hộp bị bắt bớ giam cầm
Bác nào từng ở tù rồi thì biết
Chưa ở tù thì đừng nên biết
Chẳng vui sướng gì đâu
Bác mà như em bác sẽ rất rầu!

Tên ngoại là Rùa
Ngoại sống lâu, lớn tuổi hơn loài người
Cho phép ngoại được xưng là ngoại
Ngoại đích thị rùa bò 4 chân
Không phải 8 chân như “đố chơi để chọc”!
Chậm mà chắc như rùa là ngoại đó
Nhưng có một điều ngoại không chắc
Tương lai con cháu mình sẽ ra sao
Khi người ta còn tìm rùa nấu cháo!
Xưa Vua Lê Thái Tổ trả kiếm lại cho Rùa
Nay xin những anh hùng xứ Việt
Trả mạng sống cho hậu duệ Kim Quy!

Tên em…
Tên em…
Tên em…
Và còn nhiều nữa
Mỗi em đều có tên
Trong hồ sơ lý lịch của Thiên Đàng
Mỗi em đều có gương mặt
Dù vuông tròn lớn bé khác nhau
Mỗi em đều có mắt
Nhìn cuộc đời bao la
Với đôi lời tâm sự
Chúc người sớm vị tha…

 

Tuesday, June 22, 2010

Vì Sao Ăn Chay: Nghiên cứu mới - Người ăn chay vui vẻ hơn



“Kết Quả Nghiên Cứu Mới: Người Ăn Chay Vui Vẻ Hơn Người Ăn Thịt”

Bài viết của Matt McDermott, đăng ngày 18 tháng 6, 2010 trên PlanetGreen (Hành tinh Xanh)

Thêm một lý do nữa để ăn chay… Trang Rodale tường trình một nghiên cứu mới trên “Tập san Dinh dưỡng” cho thấy người ăn chay ít bị trầm cảm, lo lắng, và các vấn đề rối loạn tính khí khác so với những người hàng xóm ăn thịt.

Tôi nói “hàng xóm” vì các nhà khoa học đã đưa kết luận này sau khi nghiên cứu những tín đồ Cơ Đốc Phục lâm, với tỷ lệ 4:5 chay, mặn. Trang Rodale ghi chú rằng nhóm này được chọn vì bản chất cộng đồng của họ khiến những ảnh hưởng bên ngoài, không kể dinh dưỡng, dễ kiểm chứng hơn.

Các nghiên cứu gia khám phá rằng dinh dưỡng của những người ăn chay thấp hơn rất nhiều về chất lượng EPA và DHA, là loại
axít béo omega-3 từ cá, đây là một chất mà nhiều nghiên cứu đã cho thấy là yếu tố quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe thể chất và tâm thần. Vì thế, họ ước đoán rằng những người ăn chay sẽ có nhiều vấn đề tâm thần hơn, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu, rối loạn tính khí. Nhưng kết quả lại trái ngược.

Những người ăn chay có số điểm trầm cảm thấp hơn và tinh thần cũng vui vẻ hơn so với những người ăn cá, thịt. Nghiên cứu này báo cáo: “Trong khi chất EPA và DHA trong dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng cho chức năng não bộ, chúng tôi không thấy chứng cớ rằng việc không ăn những chất béo này ảnh hưởng nguy hại đến tinh thần của
những người ăn chay. Kết quả này đặt nghi vấn cho kiến thức từng có trước đây về sự liên hệ của chất axít béo và chức năng não bộ, và đề nghị rằng lối dinh dưỡng trường chay có một lợi ích chưa được công nhận.”

Các nhà nghiên cứu ghi nhận một yếu tố ảnh hưởng kết quả: không những các vị Cơ Đốc Phục lâm ăn chay, nhưng cũng ý thức cao để quyết định ăn uống lành mạnh; họ ăn rất ít thực phẩm chế biến (processed food), và ăn nhiều trái cây, rau cải, hạt, và dầu có lượng
axít béo omega-3-alpha-linoleic.

Nghiên cứu này cũng nhắc chúng ta không nên kết luận tổng quát rằng ăn
axít béo omega-3 không tốt cho tính khí, nhưng tôi xin được thêm là nếu chúng ta có lợi ích tương đương giữa thực vật và động vật thì nên chọn nguồn thực vật.

http://planetgreen.discovery.com/food-health/vegetarians-happier-than-meat-eaters.html?campaign=daily_nl


 

Monday, June 21, 2010

Người Trường Chay: Người mẫu Ái Nhĩ Lan & hoa hậu thế giới 2003 Rosanna Davison

Miss World 2003 Rosanna Davison 
is a vegan.

(VNAC) - Bạn đọc mới nhất của Việt Nam Ăn Chay đang cư ngụ tại Ái Nhĩ Lan.

Bạn có biết, Ái Nhĩ Lan có một mỹ nhân được trao vương miện hoa hậu thế giới? Điều đáng nói, cô là người ăn chay. Rosanna Davison là hoa hậu Ái Nhĩ Lan và hoa hậu thế giới năm 2003. Cô Rosanna, năm nay 26 tuổi, là một người mẫu hàng đầu và là ái nữ của ca nhạc sĩ Chris de Burgh, nổi tiếng với nhạc phẩm số 1 năm 1986 “Lady in Red” (Nàng Áo Đỏ), đã bán trên 45 triệu đĩa!

Rosanna nói thông thạo tiếng Ái Nhĩ Lan, tiếng Anh và tiếng Pháp. Cô du lịch nhiều nơi trên thế giới và là một nghệ sĩ, điêu khắc gia. Cô múa giỏi và thể thao cũng tài (bơi lội, trượt tuyết, quần vợt). Năm 2006, cô tốt nghiệp ưu hạng Đại học Dublin môn xã hội học và lịch sử nghệ thuật. Cô được học bổng để tiếp tục với bằng tiến sĩ nhưng tạm thời đình hoãn cho sự nghiệp của cô.

Người mẫu Rosanna Davison giải thích: “Lối dinh dưỡng thuần chay tốt hơn rất nhiều cho sức khỏe của quý vị, cho môi trường nói chung, và vì không có thú vật nào bị giết hại, lối ăn này không tàn ác.”

Cô Rosanna Davison nói tiếp: “Khi tôi nhìn tác động của việc sản xuất và tiêu thụ thịt đối với thế giới quanh chúng ta trên các phương diện tàn ác, khí thải và sức khỏe, tôi đã quyết tâm hoàn toàn cắt bỏ bơ sữa, trứng, phô-mai, và chuyển sang ăn thuần chay. Tiến triển rất khả quan, tôi cảm thấy rất khỏe. Tôi có rất nhiều năng lực và do đó, tôi cảm thấy sinh lực tràn đầy hơn lúc trước.”

Theo lượng định của Liên Hiệp Quốc, ăn chay là một giải pháp để cứu Địa Cầu. Việc này cần sự hy sinh chuyện nhỏ cho chuyện lớn, hy sinh miếng ăn để giữ được hành tinh.

Giữa hai con đường: một là ăn thịt động vật, phá rừng, hoang phí tài nguyên, sát sinh; hai là về với sự xây dựng, xanh tươi, hòa bình, và cứu bao nhiêu sinh mạng.

Sự chọn lựa trong tay mỗi chúng ta.

Xin chúc người mẫu thuần chay xinh đẹp Rosanna Davison, hoa hậu thế giới 2003, luôn hỗ trợ, cổ động tinh thần giúp cho nhiều người Ái Nhĩ Lan cũng như các công dân toàn cầu theo lối sống thuần chay.

http://www.irishconnectionsmag.com/archives/v5i1/missworld.htm
http://www.timesonline.co.uk/tol/life_and_style/article654340.ece?token=null&offset=0&page=
http://www.herald.ie/entertainment/around-town/vegan-poster-girl-rosanna-is-picture-of-perfect-health-1952118.html
http://www.irishpressreleases.ie/2010/01/18/rosanna-davison-leads-the-way-in-promoting-a-vegan-lifestyle-to-help-save-the-planet/


 

Sunday, June 20, 2010

Vì Sao Ăn Chay: Ăn chay cho cha & Vấn đề tỵ nạn

Bạn thân mến,

Hôm nay nhiều nơi trên thế giới đang đón mừng Ngày Lễ Cha. Những bước đi đầu đời của chúng ta là nhờ mẹ cha dìu dắt. Rồi lớn lên, ta cũng nhờ cha mẹ, thầy cô, anh chị, bè bạn dắt dìu. Chúng ta vô vàn cảm ơn những người cha trên trần gian này, phải không bạn? Một nửa của ta nhờ cha mới tạo dựng được hình hài. Một nửa trong ta là một nửa từ cha đó, những nhiễm sắc thể DNA tinh vi được sáng tạo bởi một Đấng Từ Phụ cao cả trên trời.

Cũng trong niềm tri ân Đấng Cha Lành Thượng Đế ban cho ta và vạn vật sự sống nhịp nhàng muôn điệu, ta tri ân người cha thế gian. Ngày ta lọt lòng, 10 ngón chân thon nhỏ xinh xinh của ta đã là niềm hạnh phúc ấm áp tràn trề cho cha. Cha là thể hiện của tình thương và sự hy sinh thầm lặng. Vì thương nên mới hy sinh. Những buổi mai dậy sớm, bươn chải cuốc đất trồng khoai, lên thành xuống phố, vào nhà máy, đến văn phòng... tất cả, cha đã hoặc đang làm cho ta. Dù không làm gì chăng nữa, dù có mặt hay không, cha vẫn hiện diện và gắn liền với cuộc đời ta.

Nếu ta may mắn còn có cha, hãy yêu thương người cho dù có những lúc cha không được hoàn hảo như ta mong muốn. Đời sống là một trường học lớn, ta có những bài học của mình, và cha có những bài học của cha. Hãy khoan dung trước những điều mà ta cho là lỗi lầm, vì tha thứ là cởi bỏ gông xiềng cho cả hai vậy.

Và nếu thương yêu cha mẹ, muốn người được sống lâu và tránh những bệnh tật có thể ngăn ngừa được như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, ung thư... tốt hơn hết là giúp người theo lối dinh dưỡng thuần chay. Ngay chính chúng ta, nếu muốn có sức khỏe để phụng sự cha mẹ lúc tuổi già bóng xế, cũng cần phải ăn chay.

Hôm nay cũng là Ngày Tỵ nạn Thế giới do Liên Hiệp Quốc khởi xướng từ năm 2001. Trên Địa Cầu hiện có khoảng 15 triệu người tỵ nạn, và một trong những nguyên nhân gần đây nhất là tỵ nạn môi trường do biến đổi khí hậu. Ăn chay là một hành động cụ thể, thông minh, đi thẳng vào vấn đề, giúp giải quyết những khủng hoảng chính như 1. hiệu ứng khí thải nhà kính, 2. nguồn nước ô nhiễm, 3. thiếu hụt nước, 4. thiếu thốn thực phẩm, 5. bầu không khí bạo động trên Địa Cầu do việc sát sinh không ngừng trong từng giây phút!

Hãy đi những bước dài cho sức khỏe: Hãy ăn chay!

Hãy thương xót những gia đình tỵ nạn, những trẻ em đói khát: Hãy ăn chay!

Nếu được, bạn hãy thực hiện ngay bây giờ, để chứng nghiệm rằng ăn chay không khó khăn như mình nghĩ.

Kính chúc quý vị và các bạn một ngày yên bình trong ân sủng.








Lễ Hội Ăn Chay: Ngày Trái đất Thuần chay 2010 PLANET-FEST


Đệ nhị chu niên Ngày Trái đất Thuần chay

PLANET-FEST – VÀO CỬA MIỄN PHÍ
CHÚA NHẬT, 27 THÁNG 6, 2010
11 giờ sáng – 7 giờ tối
Fountain Valley Recreation Center & Sports Park
16400 Brookhurst Street, góc đường Heil
Fountain Valley, California, USA


(Thông tin dưới đây theo thông cáo báo chí của Planet-Fest. Các bạn ở nơi khác cũng có thể tham gia đón mừng Ngày Trái đất Thuần chay tại địa phương mình.)

Một ngày khi mọi người trên Địa Cầu được yêu cầu ăn chay vĩnh viễn hầu giải quyết những thử thách lớn lao nhất Địa Cầu chúng ta, bao gồm biến đổi khí hậu, rừng cây bị đốn, hạn hán, đất xói mòn, tài nguyên cạn kiệt, sa mạc hóa, mất môi trường sống, nạn đói trên thế giới, bệnh tật, nghèo khó, bạo động, chiến tranh, và đau khổ của loài vật.

Ai sẽ là người yêu cầu điều này tại “PLANET-FEST”?

Vô địch bóng rỗ NBA, xướng ngôn viên chương trình thể thao TV, và bậc thầy về sức khỏe John Salley
Siêu sao bóng bầu dục vượt kỷ lục NFL Tony Gonzalez
Bác sĩ Anteneh Roba, sáng lập viên Quỹ Quốc tế cho Phi châu
Bác sĩ thú y Elliot Katz, sáng lập viên Hội Bảo vệ Thú vật
Ngôi sao truyền hình & điện ảnh Tonya Kay
Vô địch thể hình Kenneth G. Williams
Tác giả & nhà giáo dục Dave Warwak
Luật sư cho quyền lợi loài vật Christine Garcia
Dẫn chương trình: Xướng ngôn viên phát thanh Bob Linden

Văn nghệ
Ca sĩ reggae được yêu thích ở Quận Cam KYNG ARTHUR
Nhóm Lilith Tour JOANELLE ROMERO
Ca nhạc sĩ MTV nhiều năm kinh nghiệm GREG CIPES
Tay trống thép cự phách PANHEAD với nhóm BABYLON SAINTS
Nhạc sĩ bản xứ Haiti KING WAWA
Vũ công nổi bật Quận Cam ALEC MARKEN
Ca nhạc sĩ tây ban cầm trứ danh ALEX ARNDT
Nghệ sĩ tài hoa CHÍ TÂM

Ẩm thực thuần chay
Hơn 12 nhà hàng chay nổi tiếng, bao gồm:
Loving Hut (27522 Antonio Parkway, Ladera Ranch)
Greens Cafe (15435 Jeffrey Rd., Irvine)

PLANET-FEST cống hiến quan khách tham dự cơ hội thưởng thức thực phẩm ngon, bổ, cứu Địa Cầu và mạng sống chúng ta, bởi thịt và bơ sữa được khoa học cho biết là nguyên nhân gây ra 51% khí thải nhà kính và những vấn nạn trên hành tinh này như nghèo, đói, bệnh tim, ung thư, tai biến mạch máu não, tiểu đường, béo phì, và tàn phá môi sinh.

Ngay cả Liên Hiệp Quốc và cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia Hoa Kỳ NASA cũng đồng ý cách tốt nhất để cứu Địa Cầu là mọi người khắp nơi theo lối ăn thuần chay tinh khiết, không dùng sản phẩm hoặc nguyên liệu thú vật. 

Sinh hoạt thiếu nhi ~ Chương trình nhận nuôi thú ~ Vận động cung cấp lều trú ẩn cho Haiti vào mùa mưa sắp tới

Bảo trợ: 
Go Vegan Radio (www.GoVeganRadio.org)
Quỹ Quốc tế cho Phi châu (www.iFundAfrica.org)

Liên lạc: Bob Linden
Bob@GoVeganRadio.com
818-623-6477
www.VeganEarthDay.org

Saturday, June 19, 2010

Quách Tĩnh, Hoàng Dung Ăn Chay (Hồi 3)

Quách Tĩnh, Hoàng Dung Ăn Chay Hồi 3 (Tiếp theo kỳ trước)
(Hòa Bình gửi tặng)

Hồi 3:
Hoàng Dung tại Thiên Quán
Gặp người lâm nạn, ân cần hỏi thăm

(HD bước vào phía sau quán)

HD: Ồ, nơi đây thật lạ… Từ lúc rời đảo Đào Hoa đến nay, qua bao nhiêu lữ quán, ta chưa từng thấy nơi nào như vầy...
(Gian phòng khoảng khoát, trầu bà xanh tươi, tường và trần nhà sơn hình hoa bướm màu sắc thiên nhiên.. Ánh sáng dịu, hương thơm từ hoa lài, có ghế dài nghỉ ngơi… Đi một đỗi mới đến phòng rửa tay, trắng, sạch, gương rộng rãi…)

HD (nhìn vào gương): Mình may mắn tìm được Thuần Chay Chân Kinh! Dung mạo mình bây giờ thấy dịu dàng hơn trước! (nghĩ đến QT, mơ màng mỉm cười)
(HD đi ngang qua phòng nhỏ ban nãy trước khi trở lại quán, thấy hai thiếu nữ khoảng 14, 15 tuổi đang ngồi, dáng vẻ bối rối vô cùng)
HD (quan tâm): Có chuyện gì không nhị vị tiểu muội?
Tiểu Oanh: Dạ..
HD: Tại sao tiểu cô nương này lại khóc? Ta có thể giúp gì được không?
Tiểu Oanh: Dạ, bạn em đang có chút vấn đề…
HD: Cha mẹ em đâu?
Tiểu Yến (tủi thân thút thít): Dạ thôi…
HD: Ai thôi? Ba má em thôi nhau hả?
Tiểu Yến: Dạ không.
HD: Con người ta bình thường phải vui vẻ, tự tại, không khóc lóc đau khổ như vậy, nhất là ở quán ăn chay thanh tịnh. Không có chuyện gì mà không giải quyết được.
TO (dè dặt): Dạ là như vầy… Tiểu Yến đây là tiểu thư trâm anh đài các, bị ba má bắt ăn thịt bò tươi mỗi ngày, nói là phải ăn thịt mới có đủ chất đạm cho khỏe, để lớn lên còn quán xuyến gìn giữ gia tài. Nhưng Tiểu Yến rất sợ ăn thịt…
TY (lấy lại bình tĩnh): Em nhìn miếng thịt đỏ, ngày nào cũng phải ăn, em sợ quá.. Hôm nay bị ép ăn nữa, em chịu không nổi, vội vàng chạy ra khỏi nhà… Gia nhân đuổi theo nhưng không kịp…
TO: Tiểu Yến lẻn vào các ngõ hẻm vắng người, bấm máy nhắn tin cho em… Nhị ca của em làm việc trong quán này, nên em hẹn Tiểu Yến đến đây.
TY: Tiểu Oanh ơi, phải chi mình được tự do ăn chay như hai bạn…
HD: Tiểu Yến, nhà em có xa nơi đây không? Song đường em chắc là đang lo lắng…
TY: Dạ không, chắc là đang ở tửu lầu nào đó với ma đỏ ma đen. Ba má chỉ cho gia nhân canh giữ. (khóc tức tưởi)
HD: Em gái, người ta nói “từ từ rồi khoai mì cũng nhừ”… Em hãy cố gắng giãi bày cho người rõ nguồn cơn. Em còn nhỏ tuổi, không thể bỏ đi làm phiền lòng cha mẹ. Trước sau gì cũng phải về nhà!
TO: Tỷ tỷ, Tiểu Yến đây còn bị bắt ăn máu, gọi là cho bổ máu.
HD: Là sao?
TO: Trong tiết canh và cháo huyết.
TY: Tức là máu vịt và máu heo!
HD: Trời ơi, mặt đẹp mà miệng đầy máu thì... Xứ ta không có vụ này!
TY (khóc như mưa)
HD: À, thật là khổ tâm cho em ha.. Thôi, mình ngồi lâu ở đây không tiện, sẽ có người ra vào… Hai em dùng cơm chưa? Hay là dùng cơm với ta và Quách ca ta nhé! Từ từ rồi tính sau, được không?
TO: Tiểu Yến thấy thế nào?
TY: Dạ được.
TO: Hay quá! Em sẽ gọi nhị ca của em đến chào huynh tỷ.
HD: Được, tại hạ là Hoàng Dung. Hân hạnh được biết hai em.
TO & TY: Kính chào Hoàng tỷ tỷ.
HD: Hoàng Dung xin đáp lễ. Mình ra ngoài nhé!
(Trở lại bàn)
HD: Quách đại ca! Đây là Tiểu Oanh, Tiểu Yến, em vừa quen.
QT: Quách Tĩnh chào hai vị cô nương.
TO (bấm máy nhắn tin cho Nhị ca. Một thanh niên cao lớn, mặt sáng sủa thư sinh, khoảng 19 tuổi bước tới.)
Trung Thành Văn: Xin chào chư vị! Tiểu Oanh, em gọi ta có chuyện gì? Nhị ca đang làm việc.
TO: Muội chỉ muốn giới thiệu nhị ca với các vị mới quen. Đây là Trung Thành Văn, nhị ca của Tiểu Oanh. Còn đây là Hoàng Dung cô nương và Quách đại ca.
TTV: Trung Thành Văn hân hạnh được bái kiến nhị vị. Xin phép, ngu đệ phải trở vào bên trong. Cô chủ đang cần người.
HD: Nếu có dịp, ta muốn bái kiến chủ nhân gia của đệ nhé!
TTV: Hoàng tỷ tỷ, đệ sẽ cung kính chuyển lời, nhưng... thường thì Thiên Chủ nhân bận lắm.
HD: Không sao, ta hiểu. Có duyên thì gặp mà.
TTV: Cám ơn tỷ tỷ. Đệ xin cáo lui. Tạm biệt Quách ca. Tiểu Oanh, Tiểu Yến, hai em ăn xong rồi nhớ về nhà sớm.
TO: Dạ.
QT: Chư muội dùng cơm chay nhé. Nãy giờ thức ăn đã nguội bớt rồi! Mình tạm ăn trước mấy món này đi rồi gọi thêm.
HD: Quách ca, chúc mừng ngày ăn chay đầu tiên của anh! (nói với mọi người) Xin mời!
QT, TO & TY: Xin mời!

(Mọi người sung sướng ăn chay ngon lành, nhất là Tiểu Yến và Quách Tĩnh. Món ăn nhìn thật đẹp giống như các món tiệc chay được giới thiệu trên Ẩm Thực Chay.)

Kỳ sau: Tiểu Yến và gia đình sẽ giải quyết ra sao? Hoàng Dung có duyên gặp Thiên Chủ nhân không?

Friday, June 18, 2010

Ích Quốc Lợi Dân: Cung cấp thức ăn thuần chay miễn phí cho học sinh (One Ashland)

Yoko Morimoto phục vụ thức ăn thuần chay 
cho học sinh trường Trung học Ashland, 
Elijah Melendez, 17 tuổi, từ xe thực phẩm của One Ashland.
Ảnh: Jim Craven / Daily Tidings


Chủ trương: Tình nguyện viên tổ chức bất vụ lợi One Ashland, bang Oregon, Hoa Kỳ
Công việc: Cung cấp thức ăn trưa thuần chay miễn phí cho các em học sinh trung học mỗi tuần một lần
Ích lợi:
1. Mang lại sức khỏe cho các em học sinh qua thức ăn chay lành mạnh,
2. Giảm sát sinh,
3. Giảm khí thải trên toàn cầu,
4. Tạo nhân lành cho bản thân qua đóng góp vô ngã, vô điều kiện (miễn phí),
5. Tạo nhân lành cho các em ăn chay được giảm nghiệp sát.
Chia sẻ kinh nghiệm: Những cá nhân hoặc đoàn thể, nếu có điều kiện, cũng có thể áp dụng sáng kiến này.

Trích đoạn và tóm tắt bài viết của Hannah Guzik, trên báo Ashland Daily Tidings.

Sáng lập viên Johan Ziems: “Nấu thức ăn trưa thuần chay thật ngon và lành mạnh hơn cho các em và cho Địa Cầu là điều có thể làm được.”
 

Ông nói: “Là một phụ huynh, tôi hơi thất vọng về chất lượng của thực phẩm mà con em chúng ta đang ăn. Khó tưởng tượng nổi sau khi ăn trưa những món như vậy, các em lại có thể tập trung học hành.”
 

Ông làm việc với một cư dân Portland là Taran Smith, chủ nhân của xe tải và một hãng thực phẩm thuần chay tên Playfood. 

Taran Smith, một diễn viên đóng vai Mark Taylor trong kịch hài truyền hình  "Home Improvement" (Sửa Nhà) lúc còn bé, dự định sẽ tặng chiếc xe tải cho One Ashland.
 

Taran Smith [sinh năm 1984, từng được trao giải Nghệ sĩ Trẻ dưới 10 tuổi Xuất sắc nhất năm 1992, mặc áo vàng đứng bên trái trong ảnh] cho biết: “Tôi nghĩ đây là nơi hoàn mỹ nhất để bắt đầu. Nếu làm được ở đây, chúng ta có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào.”
 

Từ 11 giờ sáng đến 12 giờ trưa, khoảng 40 em học sinh đặt thức ăn trưa từ xe tải đối diện với trường.
 

Học sinh lớp 10 Elijah Melendez, đặt món bánh mì phô-mai thuần chay làm bằng hạt điều. Elijah nói: "Rất ngon và lành mạnh.”
 

Học sinh lớp 12, Dash Moyers, 18 tuổi: "Em rất thích thức ăn này. Em ăn chay từ nhỏ đến lớn, cho nên tìm được món ăn ngon ở trường luôn là một vấn đề.”
 

Tất cả rau cải do những người bán ở chợ tặng.


http://www.dailytidings.com/apps/pbcs.dll/article?AID=/20100610/NEWS02/6100308

  

Vì Sao Ăn Chay: Hãy Thuần Chay (Franklin Murphy, Alaska)

Chuyển Sang Thuần Chay:
Cho sức khỏe, Cho đời sống

“Hãy Thuần Chay”
Bài viết của Franklin Murphy, cư dân Fairbanks, Alaska, đăng trên nhật báo Daily News Miner

Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi toàn cầu chuyển sang lối dinh dưỡng thuần chay để cứu thế giới khỏi nạn đói, thiếu thốn nhiên liệu, và những tác động nguy hại nhất của biến đổi khí hậu.

Tường trình do Ủy ban Quốc tế Quản lý Tài nguyên Bền vững ghi nhận rằng ngành nông nghiệp, nhất là việc sản xuất thịt và bơ sữa, chịu trách nhiệm cho 70% tiêu thụ nguồn nước sạch trên toàn cầu, sử dụng tổng cộng 38% đất đai, và thải ra 19% khí nhà kính của thế giới. Bản tường trình kết luận rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ được thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo không ô nhiễm như gió và mặt trời, thì các sản phẩm thịt và bơ sữa trong thức ăn của thế giới cũng cần phải được thay thế bằng rau cải, trái cây và ngũ cốc.

Cả hai thay đổi đều cần thiết để giảm khí thải nhà kính, giảm tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên, và đảm bảo sự sống còn của Địa Cầu: “Việc giảm thiểu tác động một cách đáng kể chỉ có thể xảy ra khi có một thay đổi đáng kể trong lối dinh dưỡng trên toàn thế giới, tránh các sản phẩm động vật.”

Tôi không thể nào nói hay hơn thế! Ăn uống lành mạnh bao gồm rau, quả, hạt đậu – lối dinh dưỡng để ngăn ngừa nạn đói trên toàn cầu, đồng thời bảo vệ môi trường thiên nhiên và sức khỏe cá nhân – là một điều chúng ta có thể thực hiện khi đi chợ lần tới.


http://newsminer.com/bookmark/7840574-Become-a-vegan

 

Thursday, June 17, 2010

Vườn Nhạc: Tình Cây và Đất (Tô Thanh Tùng)

Trồng cây ven biển chống cát xâm lấn

Chặn bước sa mạc hóa (Báo Ảnh Việt Nam): “Việt Nam có khoảng 462.000 ha cát ven biển, 87.800 ha trong số này là các đụn cát, đồi cát lớn di động. Trong các vùng bị sa mạc hóa tấn công, hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận được xem là vùng có tốc độ sa mạc hóa nhanh nhất cả nước với diện tích hoang mạc hóa ở Ninh Thuận đã lên gần 90.000 ha và Bình Thuận là 81.000 ha.” 

Các vùng đất trên thế giới đang biến thành sa mạc, kể cả tại Việt Nam chúng ta! Một hành tinh toàn sa mạc sẽ biến thành một nơi hoang vu, không có sự sống xanh tươi như chúng ta đang được ban cho.

Hãy giữ màu xanh của lá cho Địa Cầu này.
Hãy nâng niu sự sống của muôn loài, kể cả thế hệ mai sau. 
Hãy tham gia một cuộc cách mạng lịch sử.
Hãy làm người hùng cứu một hành tinh.
Hãy ăn chay, sống xanh!

Bài “Tình cây và đất” của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, mời bạn thưởng thức trong niềm trân quý đất và cây nhân Ngày Thế giới Chống Sa mạc hóa và Hạn hán 2010.

“Tình cây và đất”

Môi Trường Quanh Ta: Ngày Thế giới Chống Sa mạc hóa và Hạn hán 2010

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon:
"Giúp Đất Giúp Đời"
Thông điệp trong Ngày Thế giới Chống Sa mạc hóa và Hạn hán
17 tháng 6, 2010

Hơn một tỷ người nghèo khó và dễ tổn thương đang sống trong những vùng đất khô trên thế giới, nơi những nỗ lực để đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đang gặp thử thách và do đó bị đình trệ.
 

Gần 3/4 đất chưa khai khẩn có triệu chứng sa mạc hóa. Trong hơn 40 năm qua, gần 1/3 đất canh tác trên thế giới đã trở nên vô dụng, thường bị bỏ hoang. Những căng thẳng không ngừng từ hạn hán, nạn đói và nghèo khó ngày càng trầm trọng đang đe dọa gây nên những áp lực xã hội, từ đó đưa đến nguy cơ di dân bất đắc dĩ, cộng đồng phân tán, chính trị bất an và chiến tranh vũ trang. Thật vậy, sự dễ dàng tổn thương của loài người, môi trường và xã hội đến cùng một lúc với sự mãnh liệt và đối xứng bất thường tại những vùng đất khô trên thế giới. Biến đổi khí hậu lại càng làm tăng những áp lực này.
 

Trong Năm Đa dạng Sinh học Quốc tế, chúng ta cần nhớ rằng vùng đất khô là những nơi có vô số sự đa dạng và năng suất. 30% hoa mầu được canh tác và tiêu thụ tại khắp nơi trên thế giới đến từ đất khô. Đa dạng sinh học của đất khô cũng góp một phần vô cùng quan trọng trong việc chuyển các-bon trong không khí thành các-bon hữu cơ – đó là nguồn các-bon hữu cơ lớn nhất Địa Cầu.
 

Khi bảo vệ và khôi phục những vùng đất khô, chúng ta tiến bộ trên nhiều lãnh vực cùng một lúc: chúng ta tăng cường an ninh thực phẩm, giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu, giúp người nghèo lấy lại sự kiểm soát số phận của họ, và tiến nhanh đến Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Trong ngày này, chúng ta hãy tái quyết tâm chống sa mạc hóa, chống tàn phá đất đai, và giảm thiểu tác động của hạn hán. Chúng ta hãy nhận thức rằng giúp đất là giúp đời. 

http://www.unis.unvienna.org/unis/en/pressrels/2010/unissgsm199.html


 

Wednesday, June 16, 2010

Tiết Kiệm Là Vàng: Giúp trang blog của bạn trung lập khí thải các-bon

Photo courtesy: Make It Green!

Giúp trang blog của bạn trung lập khí thải các-bon
Bài viết: Cara Smusiak (đăng trên Planet Green)
Lược dịch: Hồng Hương / Việt Nam Ăn Chay

Bạn có bao giờ nghĩ đến ảnh hưởng trang blog của bạn đối với môi trường? Bạn có bao giờ thắc mắc làm cách nào để trang blog của bạn được trung lập về khí thải các-bon mà không phải tốn kém nhiều? Điều này dễ hơn bạn nghĩ, và bạn không mất chi cả ngoại trừ vài phút. 

Một tổ chức Đức Make It Green! (Hãy Làm Cho Xanh!) đang hợp tác với Hội Ngày Arbor ở Hoa Kỳ trồng cây để giúp trang blog của bạn được trung lập khí thải các-bon - đồng thời phổ biến thông tin về lối sống có trách nhiệm với môi sinh.

Trang mạng của Make It Green! (Hãy Làm Cho Xanh!) giải thích rằng một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy một trang blog trung bình thải ra 0,02 gram thán khí (CO2) cho mỗi bạn đọc viếng thăm. Họ tính ra rằng một trang blog có 15.000 bạn đọc mỗi tháng cho ra 8 cân (khoảng 3,6 kilogram) khí thải hàng năm.

Theo Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu, một cây ước lượng có thể hấp thụ khoảng 20 cân (khoảng 9 kilogram) khí thải hàng năm - mặc dù điều quan trọng cần lưu ý ở đây là trong những năm đầu tiên khi mới ra đời, cây hấp thụ ít khí thải hơn - ngay cả một trang blog với hàng ngàn bạn đọc mỗi tháng cũng có thể được trung lập khí thải các-bon bằng cách trồng 1 cây.

Cho đến nay, Make It Green! đã giúp Hội Ngày Arbor trồng khoảng 350 cây ở Rừng Quốc gia Plumas, một khu rừng với diện tích 1 triệu mẫu ở miền bắc California bị tàn phá bởi những trận lửa trong năm 2007 (thiệt hại mất mát 88.000 mẫu rừng). 350 cây là một điểm khởi đầu tốt, nhưng những người viết blog quan tâm đến môi sinh cũng có thể đóng góp phần của mình.

Cách trung lập các-bon:

1.    Viết bài ngắn về chương trình này và gắn một nút từ Make It Green!
2.    Gửi liên kết (link) của bài viết về Make It Green! địa chỉ điện thư: co2-neutral@kaufda.de

Bạn chỉ cần làm thế. Một khi Make It Green! nhận được liên kết của bài viết, họ sẽ trồng 1 cây ở Rừng Quốc gia Plumas.

Điều quan trọng cần biết là Make It Green! trồng 1 cây cho mỗi tên miền (domain). Nhưng nếu bạn có một trang blog được nhiều người yêu thích với trên 15.000 độc giả hàng tháng, bạn có thể điện thư cho Make It Green! để bảo đảm rằng trang blog của bạn thật sự trung lập khí thải các-bon.

http://www.vietnamanchay.com/2010/06/nhung-ieu-nen-biet-giup-trang-blog-cua.html

Tuesday, June 15, 2010

Nhà sản xuất & đạo diễn Shaun Monson nói về ăn chay


Nhà sản xuất và đạo diễn phim tài liệu "Earthlings" (Chúng sinh Địa Cầu) Shaun Monson là người thuần chay.

Trong dịp Lễ Hội Thế Giới 2010 Ngày Trái đất (WorldFest 2010 Earth Day Festival), được tổ chức vào ngày 16 tháng 5, 2010 tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, tác giả Larry Cook của quyển "The Beginner’s Guide to Natural Living" (Hướng dẫn căn bản cho lối sống thiên nhiên) đã thực hiện buổi phỏng vấn này, nguyên văn tiếng Anh.

Đoạn phim khoảng 6 phút. Mời bạn bấm vào để xem.

Tóm tắt nội dung:
1. Cơ thể con người không có răng nanh dài và móng vuốt để ăn thịt. Lối ăn rau quả là điều tự nhiên đối với loài người.
2. Bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Khi bạn đi khám bệnh, không bác sĩ nào bảo: "Coi chừng, phải ăn bớt bông cải xanh, bớt ăn sà-lát!" Mà bác sĩ sẽ nói: "Bớt ăn thịt!"
3. Cholesterol chỉ có trong sản phẩm động vật. Nếu muốn cholesterol thấp thì đừng ăn chất có cholesterol.
4. Khi nói đến chất đạm, người ta chỉ nghĩ đến thịt thôi. Nhưng thực vật là nguồn chất đạm nhiều nhất, đặc biệt là cho loài người.
5. Càng ăn nhiều chất đạm động vật, cơ thể chúng ta càng mất calcium (bài tiết theo nước tiểu).
6. "Lợi ích" duy nhất của việc ăn thịt là sức khỏe bị giảm sút.
7. Khi bạn ăn thuần chay, bạn hy sinh cho những chúng sinh khác không có tiếng nói. Đây hoàn toàn là một hành động từ bi. Nhưng điều đó không hại gì - Địa Cầu này có thêm phẩm chất từ bi thì càng tốt.
8. Ăn chay rất lành mạnh! Hãy thử ăn một, hai ngày trong tuần, tập quen dần dần, không cần phải ăn chay trường ngay. Hãy cho bạn một cơ hội để cởi mở đối với việc ăn chay.

Monday, June 14, 2010

Sức Khỏe Của Bạn: Thiền & Sức khỏe


Bạn thân mến,
Hôm nay ngày đầu tuần vào giữa tháng 6. Có bài hát "Tháng sáu trời mưa," không biết nơi bạn ở có mưa không? Tuần này có Ngày Thế giới Chống Sa mạc hóa và Hạn hán, nhiều nơi trên hành tinh ngày càng khô cằn, có những nơi ngũ cốc không có đủ ăn, nước không đủ uống. Người ta đốn rừng cây để có đất nuôi nông súc lấy thịt, lá phổi của Địa Cầu không còn nguyên vẹn. Ngũ cốc thì dùng để nuôi bò thay vì cho người ăn. Nguồn nước cũng để dành cho nông súc thay vì cho những trẻ em đang chết khát ở một nơi nào đó trên trái đất mỏng manh này, mỏng manh vì thiên tai từ biến đổi khí hậu, vì hâm nóng toàn cầu qua thán khí thải từ loài nông súc.

Và mới đây mà gần nửa năm 2010 đã trôi qua. Có câu: "Thời gian như bóng câu qua cửa" - thời gian qua nhanh như bóng ngựa, phải không bạn? Đời người sống nay chết mai. Dịch cúm gia cầm, bệnh bò điên, cúm heo và biết bao nhiêu bệnh lây lan từ nông súc đang chờ dịp để bộc phát, sẽ là những ám ảnh triền miên của loài người nếu chúng ta không sớm ngừng ăn thịt thú vật hầu giảm thiểu nguy cơ bệnh hoạn. "Sức khỏe là vàng" quả là một châm ngôn đơn giản nhưng vô cùng thâm thúy. Hãy gìn giữ sức khỏe với những thói quen lành mạnh, bạn nhé!

Lúc trước chúng ta có bàn rằng sẽ tìm hiểu về thiền và sức khỏe. Sau đây là trích đoạn buổi giao lưu của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và Tiến sĩ Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Tuyết tại tòa soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị vào đầu năm 2010. Việt Nam Ăn Chay xin chúc bạn một tuần vui, khỏe, và tiến bộ.

Thưa bác sĩ, báo chí, khoa học nói rất nhiều về lợi ích của thiền. Nhưng không lẽ chỉ cần vài ba động tác mà có thể chữa bệnh, liệu như thế có khoa học không? Tôi chỉ nghe báo chí nói nhiều, nhưng thực sự dẫn chứng cụ thể vẫn còn chưa thuyết phục lắm. Vậy bác sĩ có thể nói rõ hơn thiền có tác dụng như thế nào không? (Lê Vinh)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Chữa bệnh thì phải có bác sĩ chứ, phải có y học chứ. Có khi cần phải phẫu thuật, phải mổ xẻ nữa chứ. Đừng nghĩ thiền thay thế bác sĩ. Thiền để “giải thoát” bạn khỏi những stress trong cuộc sống, giúp bạn sống thảnh thơi hơn và hạnh phúc, giảm thiểu bệnh tật, hỗ trợ điều trị…  Còn “vài ba động tác” nhiều khi cũng chữa bệnh được đó chứ. Thí dụ một người bị hạ đường huyết, choáng váng, chóng mặt, ngất xỉu… thì chỉ cần ăn một cục kẹo… sẽ khỏe lại ngay! Thiền đòi hỏi phải thực hành và tự quan sát lấy mình. Đó chính là dẫn chứng cụ thể nhất. Cho nên mới nói “hãy quay về nương tựa chính mình” đó vậy!
 

Âu Mỹ nghiên cứu ứng dụng thiền nửa thế kỷ nay (Vakil, 1950), là một phương pháp trị liệu trong y học (nghiên cứu của Craven, 1980; Haarmon & Myers, 1999).
 

Thiền giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân và giảm số lần đi khám bệnh (theo Orme-Johnson, 1987). Nghiên cứu đối chứng về cơn đau kinh niên, lo âu, trầm cảm, giảm 50% các triệu chứng tâm thần và giảm 70% triệu chứng lo âu (Roth, 1997).

Tích tuổi: Hành giả thiền trên 5 năm có tuổi già sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên 3 yếu tố: huyết áp, điều tiết nhìn gần của thị giác, độ nhạy của thính giác.
 

Một nghiên cứu trên học sinh cấp 2 có thực tập thiền cho thấy học tập tốt hơn, khả năng tập trung, thói quen làm việc, cải thiện hành vi (xung đột, hung hãn), tăng tự tin, hợp tác và quan hệ với người khác (Harrison, 2004).

Thiền giúp giảm cân, giảm béo phì, cai nghiện thuốc lá, nghiện rượu, ma túy… (Alexander, 1994).


Nghiên cứu đối chứng ở 44 bệnh viện: thiền giúp giảm 50% sai sót chuyên môn, từ đó giảm 70% các vụ khiếu kiện của bệnh nhân đối với bệnh viện (Jones, 1988).
 

Thiền ở công nhân kỹ thuật (thực tập trong 8 tuần) cho thấy làm việc phấn khởi hơn, thích thú hơn, nhiệt tâm hơn, giảm thiểu các bệnh cảm cúm thường gặp, trong khi nhóm chứng không có sự thay đổi.

Cháu nghe nói tập yoga không đúng cách và không thường xuyên có thể đưa đến tinh thần không được ổn định. Nhưng nếu tập đúng thì cơ thể và con người trẻ trung và khỏe. Xin bác sĩ và cô Bạch Tuyết cho cháu biết để chọn lựa phương pháp tập thích hợp? Bác sĩ và cô Bạch Tuyết hãy cho một số địa chỉ tập uy tín, khu vực quận Bình Thạnh càng tốt. (Phạm Trần Thanh Trúc)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Yoga và thiền có giống mà cũng có khác. Tập gì đi nữa mà không đúng cách thì cũng có thể bị “tẩu hỏa nhập ma”. Yoga có nhiều loại và tùy tuổi tác, sức khỏe … mà tập. Còn tập thiền ở đâu, cách nào thì… hỏi cô Bạch Tuyết.

TS. NSƯT Bạch Tuyết: Có rất nhiều phương pháp thiền khác nhau và khác nhau rất nhiều từ mục đích của người hướng dẫn cũng như người học nên tôi xin phép không trả lời câu hỏi này.

Kính gửi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc! Xin BS giải đáp một số thắc mắc: Thiền là gì? Thiền học khác Phật học như thế nào? Zen là gì? Học thiền mà không theo đạo Phật được không? (Vũ Quang Hiển)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Thiền đã có từ ngàn xưa. Nhiều tôn giáo ứng dụng thiền vào việc tu tập. Thiền Phật giáo có những sắc thái riêng. Thiền ứng dụng vào y học, vào tâm lý học hiện đại có những sắc thái khác nữa. Zen (Nhật) chính là Thiền (Việt) cũng là Chan (Hoa), cùng có gốc từ Dhyana (Sanskrit), Jhana (Pali).

Chào cô Bạch Tuyết! Cháu thấy giọng hát cô qua hàng chục năm vẫn không thay đổi, vẫn ngọt ngào và truyền cảm. Bí quyết để giữ gìn giọng hát của cô là gì? Có phải do tập thiền đã giúp cô duy trì được giọng hát của mình? (Lý Linh)

TS. NSƯT Bạch Tuyết: Đúng vậy. Vừa có kết quả do thiền, đồng thời, với thức ăn xanh và sạch.

Tôi không là một doanh nhân, cũng không là một công chức. Từ khi thất nghiệp đến giờ, dù không làm gì nhiều tôi vẫn bị stress. Tôi nghĩ thiền không chỉ cho những người bận rộn mà cho cả những người như tôi, bị rối trí vì không có việc gì làm cả. Xin bác sĩ một lời chỉ bảo để làm phương hướng đi cho cuộc đời. Rất cám ơn bác sĩ. (Mai Văn Hải)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Cảm ơn bạn đã tin cậy mà đặt một câu hỏi rất hay. Thiền đâu phải chỉ dành cho giới doanh nhân! Trong đời sống hiện tại, hình như ai cũng bị stress cả, mà “thất nghiệp” là một trong những stress nặng nhất, cũng như ly thân, ly dị, con cái… Vì bạn không cho biết cụ thể tuổi tác, nghề nghiệp ngày xưa… thì khó thể bày tỏ điều gì. Thất nghiệp là “cơ hội” tốt để bạn tranh thủ thời gian đọc sách, nghiên cứu một vấn đề gì đó, học một kỹ năng mới nào đó chẳng hạn làm vườn (trồng cây kiểng), nấu ăn, chụp ảnh, vẽ tranh… và nhất là tập thiền?

Chào TS. NSƯT Bạch Tuyết, chị sẽ nói gì khi gặp một người và người đó nói rằng thiền là mê tín dị đoan? Cám ơn chị. (Minh Luận)

TS. NSƯT Bạch Tuyết: Cũng bình thường thôi, không có gì để nói vì khi chưa hiểu rõ về một vấn đề nào đó thì mọi người có quyền suy nghĩ, quan niệm như họ đang nghe, đang thấy.

Chào chị Bạch Tuyết, tôi rất ấn tượng với những việc làm thiện nguyện, từ thiện của chị lâu nay. Xin hỏi điều đó xuất phát từ tấm lòng của chị từ lâu, hay nhờ theo thiền mà chị ngộ ra những điều đó để theo đuổi một cách nhiệt thành như vậy? Có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong cuộc đời chị trong những chuyến đi như thế không? Khi đọc những bản tin ăn chặn tiền cứu trợ, hỗ trợ đồng bào nghèo khó khăn trên mặt báo, niềm tin của chị vào con người có còn? Chúc chị luôn khỏe để tiếp tục những việc tốt đẹp mình đang làm. (Võ Thị Thu Hiền)

TS. NSƯT Bạch Tuyết: Tôi làm việc thiện là tự nguyện từ lúc 16 tuổi, khi phát hiện làm việc thiện không phải cho người mà trước hết là để cứu mình, để trả ơn cuộc đời. Mỗi hơi thở chúng ta giết bao nhiêu sinh vật li ti, mỗi lần đi đại tiện, tiểu tiện, chúng ta đã vứt vào trái đất này bao nhiêu chất thải nhơ bẩn, ai sẽ đem lại công bằng cho các sinh vật li ti trong trời đất? Và cái vòng tuần hoàn đã phải hoạt động như thế nào? Bao lâu để có nước sạch, không khí sạch trở lại cho người và vật trên hành tinh trái đất?
 

Mỗi chuyến đi từ thiện, tôi thấy mình nhỏ hơn và thấy những vui buồn đời sống cũng như mỗi người chung quanh mình lớn hơn, thiêng liêng hơn. Tôi không để tâm khi đọc những tin tức không hay như bạn vừa kể, vì như quy luật của cuộc sống mỗi người nghĩ và làm gì thì không ai ngoài họ chịu trách nhiệm nhận kết quả hay chịu hậu quả mà bản thân gây ra, tạo nên.

Độ tuổi của doanh nhân trẻ khoảng 30 – 40 tuổi, có mục đích sống nhưng phải nhìn nhận họ sống nhanh, bon chen và không biết cách xả stress. Bác sĩ hãy chia sẻ kinh nghiệm với giới doanh nhân trẻ chúng tôi? (Doanh nhân Đoàn Đình Quốc, giám đốc công ty kiếng Đình Quốc)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Tôi có lời nhắn rằng, với doanh nhân, chúng ta cứ đuổi theo thành tích, đuổi theo kế hoạch thì sẽ cảm thấy mệt mỏi. Chúng ta vô tình làm nô lệ cho chính bản thân mình. Cứ tỉnh táo, thư giãn và thả lỏng… thành công sẽ đến và bản thân của chúng ta cũng sẽ tươi mới hơn, mãn nguyện hơn, hạnh phúc hơn và có sức khỏe hơn. Thiền sẽ giúp ta điều đó.


http://www.dohongngoc.com/web/lom-bom-hoc-phat/thien-va-suc-khoe-nghi-tu-trai-tim/giao-luu-truc-tuyen-%E2%80%9Cthien-va-suc-khoe%E2%80%9D/#more-2892



 

Sunday, June 13, 2010

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Trích "Nghiệp là một định luật luân lý đạo đức" (NS TN Diệu Minh)


Trích bài “Nghiệp là một định luật luân lý đạo đức”
Ni Sư Thích Nữ Diệu Minh


Mỗi người chúng ta, khi hiện diện trên đời này, ta đã “vay” rất nhiều của xã hội. Bởi ta không thể sống một mình mà không nhờ vả người khác, tức là ta không thể sống mà không “vay”. Do vậy, nhiệm vụ của ta là phải “trả”. Đó là lẽ công bằng.

Nhưng “trả” ở đây là ta phải biết “trả” cho đời, nghĩa là phải biết cống hiến hết sức lực, khả năng mình cho xã hội, phải biết góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của đất nước; phải cống hiến là trách nhiệm của mỗi con người sống trong xã hội. Nếu như ai ai cũng hiểu rằng “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, thì mọi người sẽ sống đẹp xiết bao, tình thương thân tương trợ, tình nhân loại sẽ vô cùng thắm thiết.

Sống có ý thức, với đầy đủ trách nhiệm của mình tức là nhận chân rõ, không chút mơ màng là mỗi việc làm, mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ của chúng ta đều có tác động đến bản thân mình (Biệt Nghiệp) mà còn ảnh hưởng hoặc ít hoặc nhiều đến người khác, đến môi trường sống chung quanh ta (Cộng Nghiệp).

Hãy tỏ ra mình có đức hạnh, can đảm và hết lòng. Cố gắng thương yêu mọi loài. Con người chỉ xứng với danh nghĩa của nó chừng nào làm chủ được ý nghĩ, lời nói và hành động mình cả về nội giới và ngoại giới. Chinh phục được ngoại giới là một công trình to lớn, nhưng điều đáng ca ngợi hơn hết vẫn là sự điều ngự chính mình:

“Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Không bằng tự thắng mình
Chiến công ấy kỳ tích”

 (Kinh Pháp Cú, 103)

Tâm hồn con người hôm nay đang đổ dốc trước sức lớn mạnh của kỹ thuật, tạo ra những cảnh-huống chênh-vênh, một viễn tượng tiêu diệt thế giới. Tham đắm của cải vật chất, con người có thể bắn giết, đâm chém, tiêu diệt lẫn nhau. Bởi thế, hiện tại chúng ta như đang nằm trên bờ vực thẳm. Tất cả những hành động xấu xa của chúng ta sẽ đưa chúng ta đến đó. Vì xâu xé từ đâu ra? Từ lòng con người! Tang tóc đổ vỡ từ đâu mà có? Từ lòng con người! “Họa phúc nhân do cánh vấn thùy” là vậy.

Vấn đề đau khổ và chiến tranh của nhân loại ngày hôm nay không phải ngẫu nhiên và tất định. Đó là kết quả hành động của con người và chỉ có con người mới có thể thay đổi hành động để biến cải xã hội mà thôi. Sự cải thiện này, chúng ta phải tự mình thực hành lấy, chứ không thể nhờ thiên hạ, sách vở hay các tổ chức nào ngoài chúng ta làm giúp được và sự cải thiện này chỉ có thể thực hiện khi mỗi cá nhân chúng ta bắt đầu biết tự giác lấy mình trong mỗi tình cảm, lời nói, việc làm, và ý nghĩ.

Con người chịu trách nhiệm đời sống tâm thức của mình nên tự nguyện lánh xa mọi điều xấu chứ không phải vì sợ hình phạt, chỉ trích hoặc vì khen thưởng ... Cơ sở triết lý hành thiện theo hướng ly tham, ly sân, ly si, ly ác, ly hại vững chắc hơn cơ sở hình phạt của pháp luật, bởi vì con người khôn ngoan có thể chạy trốn pháp luật và dư luận, nhưng người ta không thể chạy trốn lương tâm và nghiệp quả của mình.

Luật nhân quả không sai chạy, không thể tránh. Mỗi khi ta hại người khác, là ta đang tự hại mình: mỗi khi ta đem lại hạnh phúc cho người khác là ta đang đem lại cho chính mình hạnh phúc tương lai: 

“Tất cả niềm vui có được trên đời
Đều do muốn an lạc cho kẻ khác
Tất cả đau khổ có ra trên đời
Đều do muốn hạnh phúc cho chính mình.” (*)
 (*) Tính chất Cam Lồ, Ni Sư Trí Hải dịch, trang 84

Như vậy, nền đạo đức, luân lý Phật giáo như thế không xây dựng trên các tín điều, không xây dựng trên các tư duy thuần lý, cũng không “ra lệnh”, mà được xây dựng trên giá trị tiêu chuẩn an lạc, hạnh phúc và giải thoát của con người, rất người, ở chỗ con người chính nó phải chịu trách nhiệm về hai mặt nhận thức và hành động.