Friday, May 14, 2010

Môi Trường Quanh Ta: "Làn sóng xanh cho một hành tinh xanh"


"Mỗi trường học, một cây xanh, một món quà cho thiên nhiên" 
là khẩu hiệu của Làn sóng xanh.

Bạn thân mến,
 
Ở quê ta, tiếc thay tình trạng cháy rừng và đốn rừng hãy còn đang diễn ra. Rừng cây là buồng phổi của Địa Cầu. Con người không có buồng phổi thì không sống được. Một hành tinh không có rừng, không có cây xanh là một hành tinh đang dẫy chết. Bằng cách tàn phá môi trường dưới nhiều hình thức, ta đã tự khai tử cho mình và hàng tỷ cư dân trên hành tinh này.

Những thế hệ đã sống một thời gian dài, đã hưởng thụ, đã được nhiều đặc ân trong đời, có lẽ không thấy đây là một điều quan trọng hoặc liên can đến mình cho lắm. Nhưng còn con cháu chúng ta? Những em bé xinh xinh chưa tròn 2 tuổi, đôi mắt đen lay láy ngây thơ, môi bập bẹ kêu cha, kêu ngoại, nụ cười rạng rỡ ánh sáng thiên đàng – các em xứng đáng có được một hành tinh để sống, để biết thương yêu, để biết phụng sự cho đời, để thăng hoa linh hồn.

Nếu có điều kiện, chúng ta hãy trồng thêm cây xanh và giúp ngăn ngừa nạn tàn phá rừng trên thế giới. 

Ăn chay là một cách để chận đứng việc phá rừng nuôi nông súc lấy thịt. 

Ăn chay rất dễ, chỉ cần bạn mở rộng con tim, cho tình thương được rót vào tâm thức.

Bản tin sau đây được trích từ Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Việt Nam, tựa: “Làn sóng xanh” cho một hành tinh xanh.

Hưởng ứng Năm Quốc tế đa dạng sinh học 2010, Ban Thư ký về Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) đã quyết định tổ chức một chiến dịch toàn cầu giáo dục thanh thiếu niên về đa dạng sinh học mang tên “Làn sóng xanh”.

Một buổi lễ đặc biệt sẽ diễn ra vào 22/5 tại một số quốc gia hưởng ứng sự kiện này. Chương trình sẽ khuyến khích mỗi trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới trồng một cây xanh để kỷ niệm sự sống trên trái đất vào lúc 10 giờ sáng Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học, ngày 22 tháng 5 hàng năm. Lễ kỷ niệm sẽ đi qua các khu vực, các múi giờ trên thế giới, tạo nên một “Làn sóng xanh” về nhận thức và hoạt động từ Đông sang Tây quanh hành tinh.

Hiện nay, Liên Hiệp Quốc tập trung sự chú ý toàn cầu về tầm quan trọng của đa dạng sinh học - của cải phong phú của mọi sinh vật trên trái đất - và hậu quả của mất đa dạng sinh học bởi vì 30% các loài sinh vật trên toàn cầu đang bị đe dọa do các hoạt động của con người và sự biến đổi của khí hậu.

Theo cảnh báo, hơn một triệu thực vật và động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng vào năm 2050. Tuy chưa thống kê được sự mất đa dạng sinh học, song các nhà khoa học ước tính tỉ lệ tuyệt chủng của các loài cao gấp 1.000 lần tỉ lệ tự nhiên. Nguyên nhân có thể do các vấn đề về khan hiếm nước, xói mòn đất và vùng ven biển, sự thay đổi dân số, bệnh tật và sự không bảo đảm về an toàn thực phẩm. Sự mất đa dạng sinh học và sự suy thoái của hệ sinh thái ước tính tiêu tốn từ 2 ngàn tỷ đến 4,5 ngàn tỷ USD chỉ riêng trong năm 2008, chiếm từ 3,3% đến 7,5% GDP trên toàn cầu.

http://www.vacne.org.vn/default.aspx?newsid=2983