Wednesday, March 17, 2010

Bạn Thú Mến Yêu: Người sành điệu không ăn vi cá


 Siêu sao tài tử Hồng Kông 
Lương Triều Vỹ (Tony Leung Chiu Wai) sành điệu,
không ăn vi cá

Hôm qua chúng ta đọc tin về cá mập - cái tên nghe thật đồ sộ như vóc dáng của các bạn thú này, nhưng thật các bạn ấy đang bị loài người tấn công vô cùng dã man và chết thảm thương chỉ vì những chén súp vi cá trên bàn ăn của nhân loại. 

Bài tường thuật sau đây của Bích Giang được đăng trên Tuổi Trẻ tuy đã hơn 5 năm qua (ngày 23 tháng 10 năm 2004), nhưng đến nay tình trạng cá mập bị tàn sát để lấy vi cá vẫn chưa có dấu hiệu tiến bộ khả quan là bao. Xin bạn dành chút thời gian để đọc, để tìm hiểu thêm và thông cảm giùm cho các bạn cá đang chết dần mòn trong biển máu. Cảm ơn Bích Giang và Tuổi Trẻ cho bài biên soạn công phu. 

 Bé cá mập bị loài người cắt vi, không bơi được, 
nằm chờ chết dưới lòng đại dương. 
Hàng trăm triệu em bị như thế!

Tưởng cũng nên nhắc nhau 4 điều: 1. súp "vi cá" có thể nấu chay được và rất ngon, trên mạng có nhiều công thức để ta tham khảo, 2. để ngư dân cũng như những người hành nghề đồ tể được an cư sau khi bỏ nghiệp sát sinh, cần sự hỗ trợ của đồng bào, các đoàn thể trong xã hội và chính phủ, nếu không bằng vật chất thì cũng bằng tinh thần, tiếng nói, và lời cầu nguyện - đôi khi chỉ vì sinh kế mà dân nước ta buộc lòng phải làm điều trái với lương tâm mà thôi, họ không đáng trách; 3. chủ nhân các nhà hàng và đầu bếp có nhiều món để cống hiến cho thực khách, không cần phải nấu vi cá để kiếm lời - chuyển sang tiệm chay lại càng có thêm người ăn vì bây giờ người trung niên (còn đang đi làm và có lợi tức) ai cũng sợ thịt cá dầu mỡ dễ bị nghẽn tim, đột quỵ cả; còn các bạn thanh niên thì hăng hái sống xanh cho môi trường, ăn chay là thời trang và cũng là nếp sống bền vững của các bạn trẻ ngày nay; 4. nếu người tiêu thụ trên thế giới (trong đó có người Việt Nam) không ủng hộ việc ăn vi cá, thì không ai bị gợi lòng tham để giết cá và nấu vi cá tranh lợi bao giờ. Hãy suy nghĩ lại trước khi bạn đặt món súp vi cá đầy máu và nước mắt cho ngày vui của bạn!

Siêu sao bóng rỗ Yao Ming kêu gọi mọi người ngưng tiêu thụ vi cá

Hàng trăm triệu cá mập bị giết vì thói quen ăn xúp vi cá

TTCN - Giá mỗi chén xúp vi cá mập lên đến 100 USD hay hơn nữa trong những nhà hàng đặc sản khiến loại vi cá này trở thành một mỏ vàng. Và ở nhiều nơi trên thế giới người ta đang tận diệt cá mập để lấy vây của chúng.

Xúp vi cá mập là một món ăn phổ biến tại châu Á, một thời chỉ dành riêng cho những người giàu có, hiện nó đã thường xuyên xuất hiện tại các tiệc cưới, những bữa tiệc lớn của các công ty hay cả các buổi họp mặt gia đình. Người ta còn tìm thấy món ăn này trên máy bay, được đóng hộp và bán ngay cả tại các cửa hàng tạp hóa. Món đặc sản này bây giờ gần như có thể tìm thấy ở khắp nơi.

Một kỹ nghệ toàn cầu

Người châu Á ăn xúp vi cá mập để chứng tỏ sự giàu có hay thành công, để đón tiếp các vị khách danh dự hay nói cách khác, để củng cố uy tín cá nhân. Đáng buồn là sự bùng nổ nhu cầu này lại dẫn đến sự phát triển của một kỹ nghệ toàn cầu dựa trên sự săn lùng cá mập. Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính số lượng cá mập bị đánh bắt hằng năm lên đến cả 100 triệu con, và con số này có thể còn thấp hơn nhiều so với thực tế.

Nhiều người cho rằng cá mập cũng là cá, vậy săn bắt cá mập có sao đâu? Không hẳn như vậy; người ta săn bắt cá mập hoàn toàn không giống như với các loại cá thương mại khác như cá thu, cá trích, cá ngừ... bởi thịt cá mập không ngon. Do chứa rất nhiều amôniac làm cho có mùi khai khá khó chịu, thịt cá mập có giá trị thương mại rất thấp. Trước đây hầu hết ngư dân đều không quan tâm đến loại cá này, hoặc xem nó là loài có hại.

Tuy nhiên, vi cá mập lại là chuyện khác khi mà giá một chén xúp vi cá mập có thể lên đến 100 USD hay hơn nữa trong các nhà hàng đặc sản. Bắt được cá mập, ngư dân cắt lấy vây chúng và ném phần thân còn lại xuống biển. Thường thì sau khi bị cắt vây, cá mập vẫn còn sống và chìm xuống biển trở thành mồi ngon cho các loài cá khác.

Với nhiều người, thật khó mà thân thiện với cá mập. Chúng lại còn mang nhiều tiếng xấu bởi những cuốn phim của Hollywood như Hàm cá mập, Deep blue sea... Thật ra, cá mập không chỉ là một cái máy ăn thịt ngu xuẩn như được diễn tả trong phim ảnh.

Trước hết, có hơn 400 loài cá mập trên các đại dương và hầu hết đều làm mọi cách để tránh xa con người. Hãy hỏi bất cứ người lặn biển nào, bạn sẽ biết ngay rằng tiếp cận được với cá mập là chuyện rất khó. Vừa nhìn thấy người, chúng đã bơi đi ngay.

Thứ hai, cá mập là loại ăn thịt hàng đầu, điều đó có nghĩa là cá mập không dễ sinh sôi như các loại cá khác. Chẳng hạn, có hàng triệu con cá mòi mới có chừng một tá con cá mập. Bởi cá mập sinh sản chậm và có rất ít con. Giống như người, chúng thường tìm nhau ở tuổi khoảng trên 20 và mỗi con cái có thể chỉ có một con.

Cuối cùng, cá mập giữ một vai trò chủ yếu trong hệ sinh thái dưới nước. Là loài ăn thịt hàng đầu, cá mập là kẻ thu dọn rác dưới đại dương, thanh toán những sinh vật yếu, bệnh dưới nước để giữ cho hệ sinh thái được trong lành và bền vững. Nếu không bảo đảm sự sống của cá mập, hệ sinh thái biển bị đe dọa, khi đó con người sẽ phải chịu những hậu quả không ngờ.

Thủ phạm chính ở châu Á

Không còn nghi ngờ gì nữa, động lực phía sau sự săn bắt cá mập chính là nhu cầu về vi cá chủ yếu của người châu Á. Hầu hết vi cá mập đều tìm đến thị trường châu Á. Có điều, nhu cầu khổng lồ về vi cá ở đây đã dẫn tới việc săn bắt cá mập trên qui mô toàn cầu.

Ở nhiều vùng tại châu Á, việc săn bắt cá mập đã xảy ra từ lâu cho nên số cá mập chẳng còn bao nhiêu. Lặn biển tại hầu hết các dãy đá ngầm ở Đông Nam Á, khó khăn lắm người ta mới nhìn thấy một hai con cá mập nhỏ hiền lành. Do đó, các thương nhân buôn vi cá đã vươn xa hơn, đến Costa Rica, Papua New Guinea, Pohnpei ở Micronesia và những vùng xa xôi tương tự.

Trước đây không ai lưu tâm đến việc săn bắt cá mập tại các vùng xa này, nhưng do ngày càng có nhiều người được cảnh báo về hiểm họa này, dân săn cá mập đã gặp nhiều trở ngại hơn. Chẳng hạn như ở quần đảo Marshall tại Nam Thái Bình Dương, những người lặn biển nhận thấy có nhiều tàu đánh cá đã vào gần bờ hơn bình thường. Mục tiêu của các tàu đánh cá này thật rõ ràng: một số lượng lớn cá mập đang sống quanh đảo Bikini Atoll.

Những cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử của Mỹ nhiều thập niên trước đây trong khu vực đã khiến dân cư trên nhiều hòn đảo phải dời đi, và số lượng cá do đó tăng lên rất nhiều. Con số đông đảo cá mập tại đây đã thu hút nhiều nhà quay phim và lặn biển đến từ khắp thế giới. Cả Đài BBC lẫn kênh truyền hình Discovery đều phát đi những chương trình về cá mập tại Bikini, và những du khách lặn biển cũng đã mang đến nhiều lợi nhuận đáng kể cho quần đảo. Dù vậy, sự phát triển nào cũng có mặt trái: nơi nào người lặn biển đến, dân săn cá mập cũng đi theo. Những con tàu của một công ty Hồng Kông mang tên Edgewater Fisheries đã đến Bikini Atoll.

Khi phải đối chất, Edgewater cũng như một số chính khách địa phương đã chối bay mọi thứ. May mắn là những người lặn biển đã chụp hình và quay phim tại trận. Song với những thế lực mua chuộc được tại địa phương, Edgewater dường như vẫn tiếp tục việc săn bắt cá mập tại Bikini Atoll cho đến khi các email và fax từ khắp nơi trên thế giới tràn ngập văn phòng các quan chức chính quyền tại quần đảo Marshall, các ngư thuyền này sau đó buộc phải neo tại bến và bị phạt 200.000 USD.

Thế nhưng câu chuyện lại diễn tiến như sau: mức phạt thoạt tiên được hạ xuống 110.000 USD, rồi 55.000 USD. Tệ hại hơn, giấy phép đánh cá của Edgewater được gia hạn đến tháng 5-2003, và thế là các tàu đánh cá Hồng Kông này tiếp tục đánh bắt cá mập mà không hề bị phạt vạ gì, và ngay sau đó nó đã bắt đầu tấn công đảo Mili Atoll ở cạnh đó. Những câu chuyện tương tự nhan nhản: môt đàn cá mập lớn ở Cocos Islands; cá mập đầu búa (hammerhead) ở Galapagos; cá mập silvertips ở Myanmar, Maldives đều đang bị săn bắt để lấy vây và đang mau chóng biến mất.

Chống lại cách nào?

Chỉ đến gần đây, những người quan tâm đến việc này mới bắt đầu chống trả. Cách thứ nhất là thông qua pháp lý. Mỹ là quốc gia đầu tiên cấm săn bắt cá mập để lấy vây ba năm trước đây. Một số nước khác cũng làm theo, trong đó có Costa Rica và Ấn Độ là những nước có vùng biển bị dân săn cá mập nhắm đến.

Nhận thức được tầm quan trọng và tính toàn cầu của vấn đề này, Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu tất cả các nước hội viên xây dựng và ban hành những kế hoạch nhằm hạn chế việc săn bắt cá mập. Đáng buồn là những đề nghị này hầu hết đã bị lãng quên, đặc biệt là với những nước châu Á. Những hiệp ước quốc tế gần đây đã đưa ra một số những giới hạn nhằm bảo vệ một số loài cá mập dễ bị tổn hại như cá mập voi charismatic, loại cá mập hiếm basking shark. Nhưng chỉ văn bản không thôi thì cũng chẳng làm được gì.

Như ví dụ nêu trên tại Bikini Atoll, áp lực của các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân thật sự có hiệu quả. Email và fax từ khắp thế giới đã chứng minh rằng sự quan tâm toàn cầu về việc săn cá mập bất hợp pháp trong khu vực đã giúp người dân địa phương gây áp lực với nhà cầm quyền. Hơn nữa, những tổ chức phi chính phủ như WildAid và SharkTrust đang làm việc với các đại biểu chính quyền trên thế giới để cung cấp những tư liệu và dữ kiện nhằm giúp họ có những quyết định sáng suốt trong những chính sách về săn bắt cá mập.

Bất kể bao nhiêu đạo luật đã thông qua, đến nay nhu cầu về vi cá vẫn tăng bởi cơ hội hưởng lợi trên thị trường là quá lớn. May thay, các tiếng nói mạnh mẽ trên công luận báo chí, các cuộc hội thảo, bàn tròn... đã gây được áp lực, đồng thời góp phần giáo dục công chúng ở nhiều nước châu Á về một hành vi xấu trong ẩm thực.

Nhiều công ty lớn tại Singapore đã dẹp bỏ món xúp vi cá trong thực đơn chiêu đãi, liên hoan, thậm chí có biện pháp kỷ luật với nhân viên ăn món vi cá. Tình hình diễn ra tương tự tại Đài Loan, Hồng Kông vốn là các thị trường tiêu thụ lớn nhất vi cá mập. Ngay ngôi sao điện ảnh Lương Triều Vỹ cũng đã bày tỏ công khai sự phẫn nộ của anh đối với món ăn này. Có thể nói, điều duy nhất thật sự làm thay đổi tình hình là việc kiểm soát nhu cầu về ăn vi cá mập ngay tại sân nhà châu Á.

http://dulich.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=52804&ChannelID=100