Wednesday, March 31, 2010

Vì Sao Ăn Chay: Tháng 4 là tháng ăn chay


Bạn thân mến,
 
Để "giữ thơm quê Mẹ," sống xanh là điều tối cần thiết trong thế hệ chúng ta.
Sống xanh là lối sống tôn trọng và tử tế với Địa Cầu để đưa đến một "ngôi nhà lớn" xanh, tươi, vui, sạch, đẹp (XTVSĐ). Việc này bao gồm nếp sống ăn chay, một "hành động nhỏ" nhưng sẽ mang lại "thay đổi lớn," như khẩu hiệu của Giờ Trái Đất 2010 vậy.
 
Ăn chay là một hành động cực kỳ đơn giản, không có chi gọi là "đội đá vá trời" cả. Qua bao ngàn năm, chúng ta đã từng làm những điều khó khăn hơn và đau khổ hơn để hy sinh gìn giữ quê hương. Và bây giờ là lúc phải gìn giữ quê hương đại địa - vì nếu quê hương lớn không còn thì quê nhà cũng chẳng còn đâu.
 
Ăn chay cũng không cần "nằm gai nếm mật." Trái lại, ăn chay rất nhẹ nhàng. Mời bạn vào xem các trang như QuangDuc.com, NauAnChay.blogspot.com, AmThucChay.blogspot.com, AnChayThoiDaiMoi.blogspot.com: công thức, sáng kiến, bí quyết nấu chay rất nhiều và được thương yêu mang tặng cho chúng ta. Nếu hôm nào "tí lười," mình luộc đậu hủ, chấm tương Cự Đà, rau cải đủ loại cũng ngon tuyệt vời đó mà!
 
Bạn đừng sợ ăn chay không đủ chất bổ: đậu có nhiều chất đạm hơn thịt. Trẻ em ăn chay từ trong bụng mẹ lớn lên xinh đẹp, khỏe mạnh và thông minh hơn người - điển hình là ba chị em trong ban nhạc Truth On Earth (Chân Lý Trên Địa Cầu).
 
Các vị thầy tâm linh ăn chay tinh thần minh mẫn, lời đầy từ ái, phong độ oai nghiêm. Có nhiều thể tháo gia thượng thặng ăn trường chay là vô địch trong bộ môn của mình. Nhiều văn nghệ sĩ ưu tú cũng ăn chay. Khoa học gia, bác học cũng ăn chay, v.v. và v.v. Thế bạn biết ăn chay hoàn toàn không có hại mà còn có lợi.
 
Hôm nay là ngày cuối tháng 3 rồi. Ba tháng đầu trong năm 2010 đã qua nhanh. Ta không thể vươn tay níu lại thời gian, nhưng có thể bắt đầu làm mới lại với hôm nay. Đất nước ta thuở trước chiến tranh cũng lắm nên người chết cũng nhiều. Tháng 4 ngày này năm xưa đã có nhiều biến động. Tháng 4 năm nay, ta hãy ăn chay, sám hối những lỗi lầm của mình, và nguyện cầu cho cư dân trên Địa Cầu được bình an.
 
Bạn có thể viết nhật ký, ghi lại kinh nghiệm mỗi ngày về "tháng 4 là tháng ăn chay" và chia sẻ với bạn đọc, như một số ký giả Hoa Kỳ đã và đang làm.
Chúc bạn vui và thành công!
Hãy ăn chay, sống xanh, thăng hoa, bạn nhé!

Tuesday, March 30, 2010

Vì Sao Ăn Chay: Giây phút cho Trái Đất


Bạn thân mến,
 
Giờ Trái Đất đã qua. Sau những giờ lắng đọng tâm hồn, cầu nguyện thâm sâu, ta lại trở về với sinh hoạt thường nhật. Giờ Trái Đất đã qua, nhưng giây phút Trái Đất vẫn còn.
 
Trái Đất là ngôi nhà duy nhất của chúng ta ở trần gian này. Một điều hợp lý: nếu muốn còn đất sống, ta cần gìn giữ ngôi nhà này cho chính mình và cho con cháu. Nếu bạn biết giữ gìn cho ngôi nhà nho nhỏ xinh xinh (hoặc ngôi nhà đồ sộ nguy nga) của bạn được sạch sẽ, tươm tất, xanh tươi, đẹp đẽ, thì tương tự, Trái Đất - ngôi nhà lớn hơn của toàn nhân loại - cũng cần bàn tay của mọi cư dân chăm sóc.
 
Trái Đất này là "gia tài của Mẹ" - ta thừa hưởng ngôi nhà này từ lúc mới lọt lòng, không cần phải trả nợ thế chấp hàng tháng bao giờ, vì "tình cho không, biếu không." Và để xứng đáng với tình yêu đó, ta cũng nên lịch sự và văn minh trong cách hành xử: hãy giữ gìn gia tài quý báu này, nơi ta đến để học làm người, học làm Phật, học làm những chúng sinh cao thượng.
 
Giữ Trái Đất này bằng cách nào? Trong thâm tâm, bạn đã biết câu trả lời rồi đó: Hãy ăn chay, sống xanh, và cầu nguyện.


Saturday, March 27, 2010

Sinh Hoạt Từ Ái: Giờ Trái Đất 2010 - Cho thay đổi lớn


Andy Ridley, người sáng lập Giờ Trái Đất, nói: “Chúng ta không cứu trái đất chỉ bằng cách tắt đèn trong 1 giờ. Tuy nhiên, những gì chúng ta đang làm là góp thêm tiếng nói vào lời kêu gọi hành động toàn cầu”. 

Chủ đề của Giờ Trái Đất 2010 là "kêu gọi con người đứng lên nhận lấy trách nhiệm và thực hiện những hành động đảm bảo một tương lai vững bền." 

Một tương lai vững bền chỉ có thể đến từ những hành động không hủy diệt. Giờ Trái Đất là cho Trái Đất, và còn cho chính bạn, cho chúng ta. Giờ Trái Đất đúng ra là Giây Phút Trái Đất. Trong từng giây phút, trong tư tưởng, lời nói và việc làm, ta cố gắng tránh những gì hủy diệt: không hủy diệt rừng cây, không giết loài vật, không hại người. 

Nói một cách tích cực, ta cố gắng giúp cho nơi mình ở thêm xanh, thương yêu loài vật (bao gồm việc ăn chay trường), và đối xử tử tế với người chung quanh.

Những hành động trên vô cùng đơn giản nhưng sẽ mang lại những thay đổi vĩ đại trong tâm thức của toàn cầu, để hành tinh chúng ta có thể tiến vào một thời đại văn minh mới, xứng đáng sánh vai với các hành tinh văn minh khác trong hoàn vũ.

Friday, March 26, 2010

Biến Đổi Khí Hậu: Giờ Trái Đất 2010 & Biến đổi khí hậu


Trang www.EarthHour.org.vin giải thích:

Biến đổi khí hậu là gì và làm sao chúng ta biết được nó đang xảy ra?

Hiện tượng biến đổi khí hậu, thường được nhắc tới như là hiện tượng nóng lên toàn cầu, là những thay đổi lâu dài về thời tiết bao gồm các hiện tượng như gia tăng nhiệt độ, gia tăng lượng mưa, gió, và bão. Biến đổi khí hậu được chứng minh qua việc quan sát các hiện tượng xảy ra trong thực tế như hiện tượng nhiệt độ trong không khí và đại dương tăng, hiện tượng băng tan diện rộng, hay hiện tượng mực nước biển dâng cao.

Điều gì gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu?

Khí quyển Trái Đất hoạt động giống như một tấm chắn giữ lại nhiệt từ mặt trời, nhờ đó trái đất có sự sống. Hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra do sự tích tụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính (HƯNK) trong khí quyển. Sự tập trung của HƯNK tăng lên làm dày tấm chắn (lớp khí quyển), vì vậy một lượng nhiệt lớn hơn cần thiết được giữ lại, chính lượng nhiệt này làm Trái Đất nóng lên. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính được thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đốt rừng lấy đất sản xuất và các hoạt động sản xuất nông nghiệp. 
 
Vì sao biến đổi khí hậu là một mối quan tâm?

Ở khắp nơi trên thế giới, con người đang nỗ lực hành động vì hiện tượng biến đổi khí hậu có tầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, và đặc biệt là sức khỏe con người và an sinh. Khí hậu càng thay đổi nhiều thì càng xuất hiện nhiều những nguy cơ đe dọa đến con người và hệ sinh thái mà loài người phụ thuộc vào. Khi hành tinh ấm lên, mực nước biển được dự báo là sẽ tăng lên 1m vào năm 2100, các đồng bằng và các khu vực trũng sẽ bị ngập, gây xáo trộn tới cuộc sống của hàng triệu người, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế quốc gia ở một vài lĩnh vực chủ chốt như: nông nghiệp, đời sống và cơ sở hạ tầng. Ở vùng châu thổ và đồng bằng, đường bờ biển có thể xâm lấn vài kilomet vào trong đất liền. Nhiệt độ ấm hơn cũng làm thủy triều dâng cao, gây ra các hiện tượng bão và hạn hán thường xuyên hơn. Những kiểu thời tiết xấu này dẫn tới những thảm họa nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất vì hiện tượng biến đổi khí hậu, do có đường bờ biển dài và có hướng với bão, lốc, luợng mưa to và thường xuyên biến đổi. Hiện tượng thay đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến một vài hệ thống tự nhiên của Việt Nam, nền kinh tế cũng như toàn thể dân số. Bằng chứng của hiện tượng biến đổi khí hậu có thể thấy rõ ở Việt Nam. Nhiệt độ trung bình đã tăng 0.5°C và mực nước biển dâng cao 20 cm so với 50 năm trước. Những hiện tượng khí hậu tiêu cực như mưa lớn, hạn hán và bão lụt ngày càng xuất hiện với cuờng độ lớn hơn ở Việt Nam.

Bạn có thể làm gì để ngăn chặn?

WWF đang xúc tiến phối hợp hành động toàn cầu nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và áp dụng các công nghệ hiện có nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cùng một lúc, chúng ta phải thúc giục từng quốc gia và khu vực bắt đầu chuẩn bị thích ứng với những hậu quả do biến đổi khí hậu tại khu vực. Tất cả các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ phải có trách nhiệm với hiện tượng biến đổi khí hậu và chúng ta phải cùng nhau hành động nhằm bảo đảm một tương lai tươi đẹp hơn cho hành tinh và con em chúng ta.
 

Một vài cách thức đơn giản có thể thay đổi thói quen giúp bạn giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính:

a. Tại nơi làm việc
Giảm thiểu số lượng bóng đèn chiếu sáng, điều hòa và các loại thiết bị văn phòng khi không dùng đến.
Tắt tất cả các thiết bị chiếu sáng, và thiết bị văn phòng khi không sử dụng.
Tổ chức hội nghị từ xa thay vì phải đi từ nơi này đến nơi khác.
In ấn hoặc sao chép trên cả hai mặt giấy để tránh lãng phí.
Tạo ra một cộng đồng xanh ở cơ quan.

Hãy đóng kín cửa khi bạn muốn bật điều hòa hoặc lò sưởi.

b.Đi lại
Đi bộ, đạp xe hoặc đi xe buýt.
Nếu bạn đang định mua ô tô, hãy chọn loại tiết kiệm nhiên liệu.
Lái xe một cách tiết kiệm (tránh việc tăng tốc hay dừng xe đột ngột).
Hạn chế sử dụng xe máy và ô tô bằng cách đặt ra kế hoạch và nên kết hợp các chuyến đi ngắn.
Giảm đi lại bằng máy bay.
 

c. Ở nhà
Giảm điều hòa xuống 1 độ và bạn đã tiết kiệm được 10% hóa đơn tiền điện của mình.
Mua và ứng dụng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện.
Rút ổ cắm các thiết bị điện khi không dùng đến.
Hãy giảm nhiệt độ bình nóng lạnh bạn hay dùng.

Hãy đóng kín cửa khi bạn muốn bật điều hòa hoặc lò sưởi.

d. Mua sắm
Luôn tái sử dụng hoặc tái chế đồ trước khi mua hàng hóa mới.
Lựa chọn các sản phẩm có nhãn mác ghi thân thiện với môi trường.
Sử dụng ít thịt, sữa và các loại thức ăn chế biến sẵn - loại có thể tạo ra lượng khí cacbon cao.
Không mua hay tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã trái phép.
Chọn các sản phẩm có thể tái sử dụng thay vì sản phẩm không thể tái sử dụng.

Giờ Trái đất là gì?

Giờ Trái đất (EH), do WWF Quỹ quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên khởi xướng, là một sáng kiến toàn cầu nhằm nâng cao ý thức của người dân về tiết kiệm năng lượng và biến đổi khí hậu.
Sáng kiến này kêu gọi các cá nhân và doanh nghiệp trên toàn thế giới tắt điện một tiếng đồng hồ vào tối thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Năm 2010, ngày đó sẽ là thứ 7, 27 tháng 3. Mục tiêu của chiến dịch nhằm khẳng định mỗi một hành động cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng có thể giúp thay đổi môi trường sống tốt hơn.

Tôi cần làm gì trong tối đó?

Việc cần nhất là tắt hết các đèn điện trong vòng một tiếng đồng hồ. Ngoài ra, tối hôm đó mọi người có thể tổ chức hoặc tham gia vào các sự kiện GTĐ ở địa phương mình. Tại TPHCM, tối ngày 27/3 sẽ có một chương trình Gala Giờ Trái đất tại trước Nhà hát lớn thành phố từ lúc 20.00h. Chương trình mở rộng cửa cho mọi người dân tham gia.

Như vậy tôi cần tắt hết các thiết bị điện trong nhà?


Không. Điểm mấu chốt của chiến dịch là để chứng tỏ với người dân và các cơ quan thấy một hành động dù rất nhỏ và đơn giản cũng góp phần tiết kiệm năng lượng và hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Bạn không cần phải tắt mọi thiết bị điện, nhưng chúng tôi khuyến khích bạn hãy tham gia cùng chúng tôi tắt các ngọn đèn và tất cả các thiết bị điện đang không sử dụng thay đổi hành vi sử dụng điện của bạn sau đó.

Giờ Trái đất diễn ra ở đâu?

Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên bởi WWF ở Sydney năm 2007, với 2.2 triệu người tham gia bằng cách tắt tất cả các ánh sáng đèn không cần thiết.
Năm 2008, Giờ
Trái đất đã diễn ra tại 400 thành phố, thị trấn của 35 quốc gia trên toàn châu lục với sự tham gia của 50 triệu người.
Năm 2009, Giờ
Trái đất diễn ra tại hơn 4.000 thành phố của 88 quốc gia. Việt Nam tự hào tham gia cùng với 6 thành phố chính thức là Hà Nội, TPHCM, Huế, Hội An, Nha Trang và Cần Thơ.
Mục tiêu của Giờ Trái Đất toàn cầu 2010 là 1 tỷ người và 6,000 thành phố và thị trấn trên toàn thế giới cùng tắt đèn. Tại Việt Nam, chiến dịch sẽ được mở rộng hơn năm 2009 với mục tiêu sẽ có hơn 20 thành phố đăng ký tham gia.

Làm sao đảm bảo mọi ánh đèn đều được tắt?

Chúng tôi kêu gọi người dân tham gia tắt đèn càng nhiều càng tốt. Tuy vậy, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của bạn. Xin hãy đưa thông tin về Giờ Trái đất tới bạn bè, gia đình, đồng nghiệp thông qua trò chuyện, thư điện tử, blog, etc. Càng có nhiều người đồng ý tham dự, chiến dịch càng thành công.

Việc đèn điện được tắt và bật lại trong cùng một thời điểm có gây ra sự cố điện không?

Không. Chúng tôi đã kiểm tra với Sở điện lực và Ủy ban Nhân dân thành phố. Việc bật điện trở lại cùng một lúc sẽ không gây ra vấn đề gì.

Sau chiến dịch này sẽ là gì? Tôi có thể làm được gì sau đó?

Tất cả chúng ta có thể hành động mỗi ngày để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường bằng cách giảm bớt khí thải hiệu ứng nhà kính.
Giờ Trái đất có hai mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là kêu gọi được nhiều hộ gia đình, cộng đồng và các công sở tắt điện một tiếng vào tối ngày 27 tháng 3.
Thông qua việc nâng cao ý thức và thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng, mục tiêu thứ 2 là làm người dân có thay đổi hành vi tích cực đối với môi trường như để rác đúng quy định, hạn chế dùng điện không cần thiết vào giờ cao điểm, v.v .

http://www.earthhour.org.vn/?q=traloicauhoi#28


Thursday, March 25, 2010

Môi Trường Quanh Ta: Giờ Trái Đất 2010, Ba Đại sứ GTĐ giao lưu với học sinh

Đại sứ Thiện chí Giờ Trái Đất
 Diễn viên Kim Hiền
Ba đại sứ Giờ Trái đất giao lưu với học sinh
(Bài viết của Lệ Chi)

(VN Express) - Diễn viên Kim Hiền, MC Minh Quân và ca sĩ Giang Hồng Ngọc sẽ lần lượt gặp gỡ học sinh các trường Võ Trường Toản, Nguyễn Du và Bạch Đằng, TP HCM vào ngày 26/3, hưởng ứng Giờ Trái đất. 

Ba đại sứ thiện chí Giờ Trái đất sẽ cùng các em trao đổi về chủ đề biến đổi khí hậu, tuổi nhỏ có thể làm gì để cùng chung tay bảo vệ trái đất.

Năm nay Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (Văn phòng WWF) chọn TP HCM là nơi tổ chức chính sự kiện Giờ Trái đất tại Việt Nam, diễn ra tối 27/3. Hưởng ứng sự kiện này, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP HCM Nguyễn Văn Phước, thành phố sẽ tắt điện ở những nơi công cộng như UBND thành phố, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, Nhà hát thành phố, các công viên và những tuyến đường chính... Nhiều nhà hàng, khách sạn, công sở cũng hưởng ứng Giờ Trái đất.

Theo chương trình, từ 20h ngày 27/3, đèn ở nơi công cộng, những cơ quan, công sở sẽ được tắt trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ.

"Hy vọng sự kiện này sẽ giúp dần thay đổi nhận thức của người dân. Đầu tiên là làm quen với một ngày Giờ Trái đất có 60 phút tắt điện để nhớ mình cần phải tắt bớt những thiết bị điện không cần thiết. Lâu dần tạo thành một thói quen tắt điện khi không cần thiết", ông Phước nói.

Bà Nguyễn Phương Ngân, đại diện Văn phòng WWF tại Việt Nam cho hay, việc tắt đi một ngọn đèn trong Giờ Trái đất mang tính biểu trưng "nhằm khẳng định mỗi một hành động cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng, có thể giúp thay đổi môi trường sống tốt hơn".

Năm ngoái, Giờ Trái đất đã giúp Việt Nam tiết kiệm được khoảng 140.000 kWh điện. Theo đánh giá của WWF, quan trọng hơn, một giờ ấy đã giúp hàng triệu người nhận thức được mối liên hệ giữa sử dụng năng lượng và biến đổi khí hậu. 

http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2010/03/3BA1A1BC/

Môi Trường Quanh Ta: Giờ Trái Đất 2010, Nhiều Sinh hoạt Nghệ thuật

Hãy hát bên nhau và yêu thương Địa Cầu
Ảnh: Tuấn Anh

Bài của T. Trang đăng trên báo Người Lao Động Online (www.nld.com.vn)

Nhiều hoạt động nghệ thuật cho Giờ Trái đất

Hưởng ứng chương trình Giờ Trái đất, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM phối hợp cùng Công ty Sài Gòn Media tổ chức chương trình Thơ, sân khấu và Trái đất, diễn ra vào ngày 27-3 tại Bảo tàng Lịch sử VN chi nhánh TPHCM, Thảo Cầm Viên và Nhà hát Sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần).


Chương trình Thơ và Trái đất diễn ra tại sảnh Bảo tàng Lịch sử với 60 nhà thơ dự kiến sẽ tham dự. Chương trình Sân khấu và Trái đất, với trích đoạn gần 60 phút vở Bà chúa thơ Nôm (kịch bản: Linh Huyền, đạo diễn: Trần Minh Ngọc) diễn ra trong không gian hoàn toàn không sử dụng ánh sáng điện.

Khán giả sẽ thưởng thức nghệ thuật trong ánh sáng lung linh của những ngọn nến và đèn dầu. Tại Nhà hát Sân khấu nhỏ sẽ diễn ra vở kịch Dòng nhớ của Hạnh Thúy và Trung Dân trong không gian chỉ có đèn dầu.

Trước đó, ngày 26-3, Liên hoan Âm thanh Hà Nội, do Viện Âm nhạc quốc gia VN cùng công ty sản xuất và phát triển văn hóa M.A.M tổ chức, sẽ khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) với chủ đề Không gian xanh.

Chương trình diễn ra từ 9 giờ đến 24 giờ mỗi ngày với các hoạt động trình diễn thời trang, chiếu phim, hội thảo, biểu diễn âm nhạc và các hoạt động về môi trường.

Liên hoan kéo dài đến ngày 28-3 với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Tresor (Đức), Alex Millan (Pháp), Denis Jones (Anh), Dickson Dee (Hồng Kông), Six Tone (Thụy Điển)... 

http://www.nld.com.vn/20100325110852165P0C1020/nhieu-hoat-dong-nghe-thuat-cho-gio-trai-dat.htm

Sinh Hoạt Từ Ái: Giờ Trái Đất 2010, Hội An Thơ Mộng Trăng Phố Cổ

Tờ bươm bướm hình lá phổi xanh

Hội An muôn đời thơ mộng, trữ tình, như con người và đất nước Việt Nam... Mong tin này sẽ tạo nguồn cảm hứng cho bạn tham gia Giờ Trái Đất (8 giờ 30 tối, giờ địa phương - tắt điện và thưởng thức ánh sáng thiên nhiên trong 60 phút, để tiết kiệm, lắng tâm hồn, tri ân, và cầu nguyện cho một Địa Cầu bền vững). Bạn cũng có thể sáng tác thơ nhạc hoặc viết vài lời khẳng định hầu khuyến khích nhau trong việc làm ý nghĩa này. 

Tình hình biến đổi khí hậu không mấy khả quan. Nếu Trái Đất may mắn được tồn tại trong sự xanh tươi, đẹp đẽ, mát mẻ trong thế hệ chúng ta - đó là nhờ tình thương và sự quan tâm chăm sóc của bạn, cùng ân điển của Trời Cao.

Tắt điện một giờ và tận hưởng đêm trăng phố cổ

Bài viết của Khánh Hiền

(Dân trí) - Hưởng ứng Giờ Trái đất 2010, từ 20h30 - 21h30 đêm 27/3, thành phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) sẽ lại một lần nữa ngập chìm trong ánh sáng nguyên sơ của đèn dầu, hoa đăng, từ các ngả phố đến dòng sông Hoài lung linh. 

Với chủ  đề “Thơ mộng đêm trăng phố cổ”, thành phố Hội An hứa hẹn mang lại cho người dân và  du khách những trải nghiệm thú vị trong đêm phố không đèn điện - Hội An như quay về quá khứ của hàng trăm năm trước với những mái phố rêu phong, bóng Chùa Cầu lặng im soi mình trong ánh trăng lóng lánh dòng sông Hoài.
Trước giờ G - 20h30 đêm 27/3, một đoàn diễn hành với đội lân cổ truyền và đoàn xích lô hoa do đại sứ Giờ Trái đất Việt Nam - ca sĩ, diễn viên điện ảnh Quỳnh Nga - dẫn đầu sẽ đi qua các tuyến phố, trao thông điệp Giờ Trái đất 2010 với hàng ngàn tờ rơi hình chiếc lá tới tay người dân và du khách.

 Đại sứ Giờ Trái Đất Việt Nam 
Ca sĩ, diễn viên điện ảnh Quỳnh Nga

Từ các tuyến phố, trong một giờ tắt điện đầy ý nghĩa sẽ vang vọng âm thanh ca từ của những ca khúc “Hát cho hành tinh xanh” của nhạc sĩ Huy Tuấn, “Trái đất này là của chúng mình” của nhạc sĩ Trương Quang Lục và bài thơ “Trăng phố cổ” của Kim Thạch sẽ lắng đọng không gian.

Môi Trường Quanh Ta: Giờ Trái Đất 2010, 22 tỉnh thành Việt Nam


Bạn ơi,
Thứ bảy này là Giờ Trái Đất. Bạn cùng tham gia tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, sống xanh, và ăn chay để cứu vãn tình hình biến đổi khí hậu nhé. Ăn chay là một cách tiết kiệm mọi thứ rất tốt đấy. Sau đây là bài viết của Hà Lan cho VTC News. Cám ơn Hà Lan và VTC News.

22 tỉnh thành Việt Nam sẽ "ngủ" trong 1 giờ 

(VTC News)

Giờ Trái Đất là một sáng kiến toàn cầu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) về biến đổi khí hậu, chiến dịch được bắt đầu tại Sydney, Úc vào năm 2007 với mục đích nhằm nâng cao ý thức của người dân về tiết kiệm năng lượng và chống biến đổi khí hậu. Thông điệp “Tắt đèn bật sáng tương lai”- Giờ trái đất năm 2009 đã nhận được sự hưởng ứng của gần một tỷ người, tại 88 quốc gia, thuộc 4.000 thành phố với gần 1 tỷ người trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam tham gia.  

Năm nay, Ban tổ chức hy vọng sẽ có hơn 1 tỷ người từ 6.000 thành phố sẽ chung tay hưởng ứng thông điệp “Hành động nhỏ cho một thay đổi lớn”, để khẳng định cam kết và quyết tâm của nhân loại trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Giờ Trái Đất trên toàn cầu hướng tới những biểu tượng lớn trên thế giới, những tòa nhà quan trọng, những địa điểm nổi tiếng xuyên suốt châu Âu, châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Mỹ từ 20h30 đến 21h30 ngày 27 tháng 3 năm 2010 sẽ chìm vào giấc ngủ.

Được xem là 1 trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam tham gia Giờ Trái Đất năm nay với quy mô và hoạt động thiết thực hơn. Dự kiến sẽ có 22 tỉnh, thành phố và hơn 1.000 doanh nghiệp hưởng ứng. Hành động tắt đèn tượng trưng sẽ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với trái đất trong việc giảm thiểu khí nhà kính cũng như nâng cao ý thức cộng đồng về biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, đêm Gala Giờ Trái Đất sẽ diễn ra trang trọng từ 20h30 đến 21h30, tại Quảng trường nhà  hát TP.Hồ Chí Minh với sự tham dự của các quan chức Chính phủ và Bộ, ngành liên quan. Để tham dự vào Giờ Trái Đất mời các bạn truy cập vào website: www.earthhour.org.vn.


UBND TP.Hà Nội  cũng có kế hoạch (số 1663) về việc tổ chức chiến dịch Giờ Trái Đất trên địa bàn toàn TP Hà Nội, chỉ đạo đến từng quận, huyện, phường, xã, các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị xã hội của TP và kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia chiến dịch này.

Như vậy, vào ngày 27/3 tới, từ 20h30 đến 21h30, các khu vực chính của TP Hà Nội như Nhà hát lớn, Đền Ngọc Sơn - Tháp Rùa - Cầu Thê Húc, Trụ sở UBND, HĐND TP và 29 quận, huyện sẽ tham gia cùng với những địa điểm biểu tượng của thế giới trong hành động tắt đèn ủng hộ Giờ Trái Đất.

Theo dự báo của các nhà khoa học, ngay cả khi loài người ngừng lập tức việc thải khí CO2 ra môi trường, thì nhiệt độ trung bình của trái đất vẫn tiếp tục tăng từ 1,6oC- 1,8oC và sẽ duy trì trong vòng 500 năm nữa (mức tăng trung bình trước đây là 0,8oC). Song thực tế, cách mà chúng ta đang ứng xử “lạnh” với môi trường như hiện nay sẽ làm trái đất “nóng” thêm 2oC nữa trong thế kỷ này và đạt ngưỡng thảm họa môi trường.

http://vtc.vn/2-242860/xa-hoi/22-tinh-thanh-viet-nam-se-ngu-trong-1-gio.htm


Tuesday, March 23, 2010

Môi Trường Quanh Ta: Xin nhớ trồng cây xanh

Nhiều cây cổ thụ đường Trần Phú 
sẽ bị loại bỏ trong đợt chỉnh trang cây xanh.
Ảnh: Nam Phương

Xin chia sẻ bài viết của Nam Phương trên báo Đà Nẵng, đăng ngày 22 tháng 3, 2010. Độc giả bày tỏ sự quan tâm khi thấy cây xanh bị đốn trong thành phố cho thấy ý thức xanh cao độ của người dân Việt Nam dễ thương. Thiên nhiên và màu xanh của lá, màu xanh của hy vọng, là điều nên có trong đời sống trần gian. Hãy nghĩ đến thế hệ con em và nhớ trồng thêm nhiều nhiều cây xanh cho một Việt Nam xanh mát, một Địa Cầu xanh tươi.

Vấn đề bạn đọc quan tâm  

Vì sao chặt cây xanh đường phố?


Trong những ngày qua, Báo Đà Nẵng liên tục nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc Công ty Cây xanh đang chặt nhiều cây xanh trên một số tuyến đường trung tâm thành phố. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã tìm hiểu về vấn đề này và được biết như sau:

Ông Đặng Đức Thứ, Phó Giám đốc Công ty Cây xanh Đà Nẵng, cho biết việc chặt và trồng mới cây xanh ở một số tuyến phố chính ở khu vực trung tâm thành phố trong những ngày qua thuộc kế hoạch chỉnh trang cây xanh đường phố. Trước thực trạng một số tuyến đường phố chính đang có nhiều cây xanh không thích hợp với quy hoạch, cây chậm phát triển và một số bị ảnh hưởng do các cơn bão trong thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương chỉnh trang cây xanh ở một số tuyến đường chính.  

Dự kiến ban đầu sẽ thực hiện chỉnh trang cây xanh trên 24 tuyến đường, nhưng đến ngày 14-1-2010, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 352/QĐ-UBND phê duyệt dự toán chỉnh trang cây xanh đối với 7 tuyến đường phố chính. Theo đó, cây xanh ở các tuyến đường phố nằm trong diện chỉnh trang đợt này gồm: Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Trần Phú, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ, 2 tháng 9, Cách mạng Tháng Tám. Tổng dự toán kinh phí thực hiện chỉnh trang cây xanh trên 1,8 tỷ đồng.

Trên tuyến đường Trần Phú, các loại cây tạp, cây xanh đúng quy hoạch nhưng kém phát triển đã được đào bỏ hoặc di dời. Đường Trần Phú từ đầu số nhà 01 đến giáp đường Lê Duẩn được chỉ định trồng muồng tím; đoạn từ giáp đường Lê Duẩn đến UBND quận Hải Châu được trồng cây sao đen. Theo khảo sát, đường Trần Phú hiện quy tụ đến 22 loài cây nhưng việc chỉnh trang cây xanh sẽ hướng đến 2 loài cơ bản là muồng tím và sao đen.  

Theo Công ty Cây xanh, ngoài số cây hiện có, đường Trần Phú còn 21 vị trí trồng cây còn thiếu và đợt chỉnh trang này sẽ trồng mới và trồng thay thế 195 cây xanh. Việc chỉnh trang cây xanh được thực hiện theo nguyên tắc: nếu là cây tạp gồm vông đồng, phượng, bồ đề… sẽ đốn hạ; nếu là cây trong quy hoạch phát triển cây xanh nhưng kém phát triển, sẽ bứng gốc di chuyển đi chăm sóc. Tất cả các cây xanh được trồng mới, trồng thay thế đều phải đúng quy cách: cao 4,5 mét và đường kính gốc lớn hơn hoặc bằng 9cm. Ông Đặng Đức Thứ cho biết thêm, việc này cũng áp dụng cho 6 tuyến đường khác trong kế hoạch chỉnh trang cây xanh kỳ này. 

Tương tự đường Trần Phú, đường Bạch Đằng (vỉa hè phía tây) đoạn từ Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (DVTV) đến đường Hùng Vương, được chọn trồng mới cây sao đen; đoạn từ Hùng Vương đến hết tuyến trồng mới cây muồng tím. Đường Lê Duẩn sẽ trồng cây muồng tím. Đường Điện Biên Phủ đoạn từ đường Lê Duẩn đến vòng xoay Lê Độ - Điện Biên Phủ trồng mới cây sao đen và xà cừ; đoạn tiếp đến Tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê sẽ trồng mới cây sao đen; đoạn tiếp theo đến Ngã ba Huế trồng cây sao đen.  

Tuyến đường Trần Hưng Đạo sẽ trồng mới cây muồng tím làm cây chủ lực. Đường 2-9 chọn cây sao đen làm cây chủ lực. Đường Cách mạng Tháng Tám chọn trồng cây sao đen và cây muồng tím. Tuyến đường này có một số ngoại lệ là sẽ giữ lại các cây bàng Đài Loan, dầu rái, lộc vừng, osaka và cây bò cạp nước. Riêng đoạn vòng xoay nút giao thông Hòa Cầm sẽ thay thế cây viết bằng cây muồng tím.

Như vậy, trong đợt chỉnh trang cây xanh đối với 7 tuyến đường phố lần này, Công ty Cây xanh sẽ chặt hạ và di dời 782 cây thuộc diện cây không thích hợp, mục rỗng, sâu bệnh, còi cọc; đồng thời sẽ trồng mới, trồng bổ sung 1.168 cây xanh, trong đó có 700 cây sao đen, 400 cây muồng tím, 11 cây xà cừ. Một số vị trí cá biệt có trồng 25 cây giáng hương và 2 cây muồng kim phượng.

http://baodanang.vn/vn/chinhtrixahoi/30131/index.html


Monday, March 22, 2010

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Súp đậu xanh

Súp Đậu Xanh
Thực hiện: Hồng Hương, Ảnh: Bình Thường

Súp Đậu Xanh (Hồng Hương)

Một món chay dễ thực hiện là súp đậu xanh. Hạt đậu xanh có nhiều chất xơ, 4 khoáng chất (molybdenum, mangan, photphorơ, kali tức potassium), 2 loại sinh tố B (sinh tố B 1 và folate), chất đạm, và isoflavone (có thể giúp giảm nguy cơ ung thư ngực và tuyến tiền liệt).



Khoáng chất molybdenum là một phần quan trọng của enzim sulfite oxidase, giúp tẩy độc suflite. Sulfite là một chất bảo quản; những người dị ứng sulfite thường bị tim đập nhanh, nhức đầu, hoặc bị hoang mang. Hạt đậu xanh có nhiều kali (potassium), giúp mảng bớt đóng vào mạch máu, do đó tốt cho những ai có huyết áp cao.

Vật liệu:
1 chén hạt đậu xanh cà
1 củ cà-rốt
4 chén nước lọc
1/4 muỗng cà-phê cà-ri hoặc bột nghệ
1/4 muỗng cà-phê bột ớt ngọt (tùy thích)
1/4 muỗng cà-phê bột nêm thảo mộc
1/4 muỗng cà-phê tiêu
1/4 muỗng cà-phê bột lá húng quế
1/4 muỗng cà-phê bột kinh giới thơm, còn gọi là oregano
1 muỗng cà-phê bơ thuần chay (tùy thích)
1 vài lá húng quế tươi

Thực hiện:
1. Đun nước sôi.
2. Trong khi nấu nước, nhặt sạn và rửa đậu xanh thật kỹ.
3. Sau khi đậu xanh đã rửa sạch, cho vào nồi nước.
4. Cà-rốt không cần gọt vỏ nếu là loại hữu cơ (không có thuốc trừ sâu), chỉ gọt những nơi nào bị đen, nếu có. Thái hạt lựu. Cho vào nồi nước, nấu sôi. Vớt bọt.
5. Cho gia vị bột lá húng quế và bột kinh giới thơm vào.
6. Đậy nắp nồi cho mau chín, lửa trung bình. Nấu khoảng 30 phút hoặc cho đến khi đậu nhừ. Dùng muỗng tán nhuyễn đậu.
7. Thêm bơ thuần chay (tùy thích) và các gia vị (cà-ri/bột nghệ, bột ớt ngọt, bột nêm thảo mộc, tiêu). Có thể gia giảm tùy khẩu vị.
8. Múc ra tô. Lá quế tươi thái nhuyễn, rắc lên mặt trang hoàng cho có màu xanh đẹp mắt.
9. Dùng nóng với bánh mì Pháp.
10. Chúc bạn ăn chay thật vui và nhẹ.

Tin nhạn:

1. Detroit Free Press: "Có thêm thực khách đi tìm và được phục vụ thực đơn không thịt"

2. Miami Herald: Alexander Gordon, học sinh lớp 11 tại trường trung học Nova được thưởng 1.000 Mỹ kim nhờ sáng tạo một bánh pizza thuần chay.  Alexander nói: "Hiện nay trong giới trẻ [Hoa Kỳ] có nhiều người bị tiểu đường, béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và nhiều vấn đề sức khỏe khác, cho nên tìm hiểu về một lối dinh dưỡng lành mạnh là điều quan trọng cho xã hội ngày nay và trong tương lai."

Sunday, March 21, 2010

Tin Vui Ăn Chay: 124 vị tham gia Ngày Thế Giới Không Ăn Thịt 22/3/2010


Xin cảm ơn chư vị và các bạn đã tham gia Ngày Meatout (Không Thịt) hôm qua. Mục đích tâm linh dẫn đầu, sau đó là tình thương cho loài vật. Ưu tư kế tiếp là môi trường, và cách đó không xa là lợi ích cho sức khỏe.

Một vài ý nghĩ về ăn chay... 


Nữ ca sĩ Vân Khánh: Không biết vì sao Khánh rất thích ăn chay. Vì thế đậu hủ là món ăn yêu thích số một, sau nữa là nấm rơm nấu với đậu hủ... Bí quyết ăn uống để Vân Khánh luôn thon gọn trong trang phục áo dài mỗi khi xuất hiện trên sân khấu là ăn thật nhiều rau xanh và các thức ăn có nhiều chất xơ, đặc biệt là ăn chay càng tốt!

Nữ ca nhạc sĩ Leona Lewis: Tôi hoàn toàn chống lại việc đối xử hung tàn với động vật. Tôi là một người ăn chay và tôi không có những trang phục, giày hay túi xách nào làm từ lông thú hay da hoặc bất cứ sản phẩm nào từ động vật. 

Nam diễn viên Công Hậu: Lúc đóng phim Phật Thích Ca, phải hóa thân vào vai Phật tổ nên tôi phải ở chùa 4 tháng để ăn chay, học lễ. Không ngờ quay xong phim lại muốn đi tu vì thấy thích cuộc sống yên bình, không bon chen ở chốn thanh tịnh này, chứ không phải hết “lửa” với điện ảnh. Qua bộ phim này, tôi cũng nghiệm ra nhiều thứ trong cuộc sống: đừng bao giờ tỏ ra thỏa mãn, tự cao mà phải khiêm tốn và không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân. Dù có gặp thất bại cũng không nản lòng.


Saturday, March 20, 2010

Sinh Hoạt Từ Ái: Ngày Thế Giới Không Ăn Thịt 2010

20 tháng 3, 2010 - Ngày Thế Giới Không Ăn Thịt


Tiến sĩ James Hansen, khoa học gia hàng đầu về biến đổi khí hậu, giám đốc Viện Goddard Nghiên Cứu Không Gian/NASA : Tôi cam kết ăn chay trong Ngày Không Ăn Thịt.

Tiến sĩ T. Colin Campbell, tác giả quyển sách bán chạy hàng đầu thế giới "The China Study" (Nghiên Cứu về Dinh Dưỡng Trung Hoa), người trường chay: Ăn rau quả mang lại sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, có rất nhiều lợi ích. Phí tổn y tế sẽ giảm đáng kể nếu mọi người chuyển sang lối ăn bổ dưỡng bằng rau quả. 

Bác sĩ, tác giả trường chay Michael Klaper: Cơ thể con người tuyệt đối không cần thịt thú vật.

Đạo diễn trường chay Shaun Monson, được giải thưởng cho phim tài liệu "Earthlings" (Chúng Sinh Địa Cầu): Chúng ta chỉ ăn mỗi ngày 3 bữa. Đây là một cơ hội hoàn mỹ để không ăn thịt thú vật, ít nhất trong một ngày. Hãy thử một ngày. Bữa điểm tâm, cơm trưa, cơm chiều: không ăn thịt, và khám phá những điều không những tốt cho mình, mà chắc chắn cũng tốt cho môi trường, và hoàn toàn tốt cho loài vật. Do đó tôi khuyến khích mọi người ít nhất một ngày - và có lẽ là ngày đầu tiên trong nhiều ngày - trong dịp Ngày Không Ăn Thịt, hãy ngưng ăn thịt loài vật.

Nhà trường chay và tranh đấu cho loài vật Howard Lyman, nguyên đại gia chăn nuôi nông súc: Không điều chi quan trọng hơn ngay bây giờ cho bản thân quý vị là nhìn vào sự việc và nói: "Ngày Không Ăn Thịt là một ngày không có sản phẩm động vật. Có lẽ mình nên chuyển sang ăn thuần chay 30 hay 60 ngày để xem sao; có lẽ mình sẽ thay đổi lối ăn hoặc sẽ trở thành người luôn luôn ăn chay.” 

Sáng lập viên & xướng ngôn viên đài phát thanh Bob Linden, người trường chay: Ngày Không Ăn Thịt được tổ chức vào ngày đầu của mùa xuân mỗi năm, là thời gian cho một khởi đầu mới trong năm. Khi loại bỏ thịt, quý vị khởi đầu một lối sống lành mạnh, từ bi hơn, và có trách nhiệm với môi sinh. Hiện tại, hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta cần phải bỏ thịt. Phí tổn y tế tại Hoa Kỳ, chỉ riêng cho bệnh tim mạch là 250 tỷ Mỹ kim hàng năm. Không ai đài thọ nổi việc ăn thịt và sản phẩm bơ sữa nữa! 

Nhạc sĩ trường chay Moby, tác giả quyển sách mới phát hành "Gristle": Tôi ăn chay lúc 19 tuổi. Bây giờ tôi 45, cho nên cũng gần 30 năm rồi. Ban đầu tôi chuyển sang thuần chay là vì thương thú vật và không muốn dính dáng vào bất cứ điều gì khiến họ đau khổ.  Rồi dần dần tôi khám phá ra ảnh hưởng của chăn nuôi nông súc đối với việc hủy hoại môi sinh, phá rừng, biến đổi khí hậu và vấn đề sức khỏe - những điều đó khiến tôi càng vững vàng với quyết định thuần chay. 

Nữ tài tử Mary Tyler Moore, được trao 7 giải truyền hình Emmy: Sẽ có lúc chúng ta nhìn lại và nói: "Trời ơi, có thể nào tin nổi trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, người ta vẫn còn ăn thịt thú vật?" 

Nữ nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết, Cải lương Chi bảo: (đáp lời yêu cầu của Việt Nam Ăn Chay nhân Ngày Thế Giới Không Ăn Thịt 2010) Cám ơn các bạn đã quan tâm đến việc "ăn chay" của tôi. Phần tôi, tôi không gọi là mình ăn chay, mà tôi tin rằng mình đang "Đổi bụi". Mỗi ngày thay bụi nặng thịt cá bằng bụi nhẹ rau cỏ, và như thế mình cũng như cái túi cũ đựng những thứ nhẹ nhàng sẽ dùng được lâu hơn, để có thể sống vui, sống khỏe dành thời gian giúp ích cho con người nhiều hơn đồng thời chuẩn bị đi qua cuộc đời này càng ít vướng bận. Thân chúc mọi người nhận ra và hiểu được mình cần gì trong đời và có gì tặng lại cuộc đời. Một hơi thở thiền, một lời nói dịu dàng, một cử chỉ thân thương, một chút công bằng khi nghĩ tới muôn loài muôn vật.. và trên hết là lòng biết ơn đối với tất cả. Cám ơn.

Ca sĩ & diễn viên trường chay Common: Tôi cảm thấy hãnh diện và rất có phước được làm một người ăn chay. Tất cả đã trở nên rõ ràng hơn.


Và còn rất nhiều danh nhân trường chay khác... 
Chúc bạn và gia đình một ngày an bình.


Friday, March 19, 2010

Vì Sao Ăn Chay: Ăn chay là một pháp tu (Thầy Thích Nguyên Tạng)

 Chủ đề Ngày Thế Giới Không Ăn Thịt 2010:
Ăn Để Sống - Sống Thuần Chay

Ngày 20 tháng 3, 2010 (ngày đầu mùa xuân tại một số nơi trên thế giới) là kỷ niệm năm thứ 25 ngày thành lập Meatout (Ngày Thế Giới Không Ăn Thịt), với sự tham gia của nhiều cá nhân và đoàn thể trên 31 quốc gia.

Trong chiều hướng cổ động một lối sống hòa bình, Việt Nam Ăn Chay đã cung thỉnh Thượng tọa Thích Nguyên Tạng, chủ biên Trang Nhà Quảng Đức, ban lời giáo huấn nhân Ngày Thế Giới Không Ăn Thịt cho lợi ích của công chúng. Thầy đã từ ái gửi tặng chúng ta bài pháp đầy tình thương sau đây.

Nguyện xin Ơn Trên luôn gửi đến thế gian những sứ giả và bậc Thầy khai ngộ để dẫn dắt nhân loại vượt khỏi bến bờ vọng tưởng. Việt Nam Ăn Chay chân thành tri ân Thầy Nguyên Tạng tôn kính đã ban cho bài "Ăn chay là một pháp tu."

Ăn chay là một pháp tu

Xin tán thán công đức của ban biên tập đã cổ võ cho phong trào ăn chay nhân ngày Meat out 20 tháng 3 năm 2010 này. Ăn chay là thể hiện lòng từ bi và tình thương không có điều kiện đối với các loài thú. Phật Giáo khuyên nhắc và kêu gọi mọi người không những phát tâm ăn chay mà còn phải phóng sanh các loài vật.

Bản năng của chúng sanh là thích tự do, mình bắt bớ giam cầm loài thú hoặc nuôi chim lồng cá chậu, là trực tiếp gieo nhân ở tù trong tương lai, cho dù bị bắt bỏ tù lầm, đôi khi ở tù 10 năm mới được tòa án phát hiện là không có tội, dù có được bồi thường đi chăng nữa, mình đã bị nhốt tù rồi.

Không nên săn bắn, chài lưới, giết hại, cắt xẻ, chiên nấu các loài thú, biến chúng thành thức ăn cho mình, vì sự sợ hãi, đau đớn của chúng bây giờ sẽ trở thành sự đau đớn và sợ hãi của chính mình ở mai kia mốt nọ. Chư Tổ Đức từng nhắc chúng ta về sự đau đớn, oán hận này của loài thú bị giết ăn thịt:

"Thiên bách niên lai oản lý canh,
Oán thâm tự hải hận nan bình.
Dục tri thế thượng đao binh kiếp,
Thả thính đồ môn dạ bán thanh."


Có nghĩa là: “Ngàn năm oán hận ngập bát canh, oán sâu như biển, hận khó tan; muốn biết tại sao thế giới có chiến tranh, thì hãy lắng nghe tiếng kêu cứu, tiếng la hét đau đớn của loài thú ở lò thịt vào lúc nửa đêm khuya”. Rõ ràng nhìn vào bát canh thịt, mình sẽ thấy được gốc rễ của sự oán hận và chiến tranh. Trong Kinh Phật cũng dạy
“Nhất thiết chúng sanh vô sát nghiệp, hà sầu thế giới động đao binh”, có nghĩa là hết thảy chúng sanh không còn giết hại lẫn nhau, thì làm gì thế giới này có chiến tranh? Do vậy muốn hết oán hận nhau, muốn hết chiến tranh đau khổ, ngay bây giờ chúng ta hãy chấm dứt ăn thịt.

Chúng tôi thường nói đùa rằng bao tử của con người là một loại hình nghĩa trang để chôn cất các loài thú, từ lúc sinh ra đến lúc nhắm mắt lìa cõi đời của một con người, không biết bao nhiêu con bò, heo, gà, vịt, cá… được chôn vào đó? Mọi người tự kiểm chứng lại sẽ biết.

Đức Phật cũng tuyên bố
“tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”. Chúng sanh ở đây bao gồm cả người lẫn loài vật, con người vì nghiệp chướng quá nặng nên không nhìn thấy các loài vật cũng bình đẳng như mình, cũng đều ham sống sợ chết, cũng đều sợ lưỡi dao của người đồ tể, đều sợ hãi việc chém cắt thân thể ra từng mảnh nhỏ, đều run sợ trước sự hung bạo và hiểm ác, vậy thì tại sao chúng ta không ngưng việc giết hại và trân quý sự sống bằng cách phát tâm ăn chay? Muốn biết sự đau đớn như thế nào của loài thú khi bị giết, xin mời xem: http://www.quangduc.com/AnChay/41losatsinh.html

Theo tinh thần Bồ Tát Đạo, trong vòng luân hồi sinh tử này, tất cả chúng sanh đều đã từng là cha mẹ, là anh em, là quyến thuộc của ta, nếu ta ăn thịt các loài vật, cũng đồng nghĩa với việc mình ăn thịt của cha mẹ, anh chị em và giòng họ của chính mình. Biết rõ điều này, nên chúng ta sẽ phát tâm ăn chay.

Cuối cùng, theo Phật Giáo thì ăn chay là một pháp tu, pháp tu này có vẻ dễ mà kỳ thực không dễ thực hiện, đó là pháp tu về lòng từ bi, từ bi là thể tánh của Niết Bàn, ai đạt đến lòng từ bi không cùng tận, người đó đã đạt đến giác ngộ giải thoát, ngồi vào địa vị Phật.

Như đã nói ăn chay là một pháp tu, vì là pháp tu nên không ép buộc mà tự bản thân phát nguyện thọ trì để có lợi lạc cho chính mình. Người Phật tử đã quy y Tam Bảo và giữ gìn năm giới, giới đầu tiên là giới không sát hại chúng sinh. Giới này rất quan trọng trong năm giới, muốn giữ giới này một cách hoàn hảo việc trước mắt nên phát tâm ăn chay, ăn chay kỳ (mỗi tháng 2 ngày, 4 ngày, 6 ngày, 8 ngày, 15 ngày…hoặc một tháng hay ba tháng) hoặc phát tâm ăn chay trường, ăn suốt năm từ khi phát tâm cho đến cuối đời.  Khi ăn chay hoặc làm nhà hàng bán thức ăn chay, cố gắng loại bỏ một cách tuyệt đối những tên gọi của các loài thú trên bàn ăn của mình như “ cá kho”, “gà chiên”, “ bò hầm”… hãy đưa giáo lý Phật vào thực đơn của mình như “khai vị tứ đế”, “ cơm chiên bát chánh đạo”, “ lẫu giác ngộ”…. vừa ăn chay có phước, vừa hiểu được giáo lý, sẽ giúp cho hành giả tiến mau trên đường đạo của mình.

Tóm lại, ăn chay hiện tại là một trào lưu mới cho sức khỏe, dù là Phật tử hay không Phật tử cũng nên áp dụng ăn chay vào đời sống của mình. Đối với người không phải là Phật tử, ăn chay sẽ giúp thân thể tráng kiện, khỏe mạnh, thanh tịnh, tránh được các loại bệnh thời đại lây nhiễm từ loài thú. Còn đối với người Phật tử, ăn chay là một pháp tu quan trọng để thành Phật, mình không ăn chay được là biết nghiệp của mình còn nặng, mình phải phát tâm sám hối, sám hối để nghiệp của mình chuyển, nghiệp chuyển cuộc đời mình sẽ thay đổi và thăng hoa.

Melbourne, ngày 19-03-2010 

Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng

Thursday, March 18, 2010

Vì Sao Ăn Chay: Muốn có Địa Cầu xanh, hãy ăn chay


Hãy dọn sạch thế giới từ trong ra ngoài! 
Hãy ăn chay, sống xanh!

Thế giới chúng ta đang cần thêm những người ăn chay để giúp một hành tinh héo khô, tàn úa được trở nên xanh tươi, trong lành trở lại. 
Hãy làm một người hùng của thiên niên kỷ: Ăn chay để cứu cả một tinh cầu!
Hãy để cho loài vật còn sống để nhân loại được sống còn.
 

Và sau đây là trích đoạn bài tường thuật của phóng viên RFA Quỳnh Như, "Ăn chay góp phần xây dựng hành tinh xanh," đăng cách đây chưa đầy 3 tháng, tài liệu quan trọng về sự liên hệ giữa ăn thịt động vật và ô nhiễm môi trường, cùng giải pháp ăn chay, vẫn còn chính xác. Mời bạn tham khảo.

Ăn chay góp phần xây dựng hành tinh xanh ~ Phóng viên RFA Quỳnh Như (31/12/2009)

Truyền thống ăn chay xuất phát từ Ấn Độ với mục đích tránh sát sinh, đồng thời thực hiện, nuôi dưỡng và cổ vũ cho đức từ ái của con người. Ngày nay, ăn chay đã dần trở nên phổ biến đối với tất cả mọi người.

Nguyên nhân ô nhiễm

Ngày nay, ăn chay không còn giới hạn trong lãnh vực tâm linh, mà còn để bảo vệ sức khỏe cũng như môi trường sống, và đã được khoa học xác nhận.

Từ vài thập niên qua, tình trạng trái đất ngày một ấm hơn, kéo theo một loạt biến đổi khí hậu và khiến việc bảo vệ môi trường trở thành mối quan tâm của cả nhân loại.

Phải nói ngay rằng ăn chay là một thói quen tốt cần duy trì, phát huy và nhân rộng trong tình trạng khí hậu trái đất đang nóng dần lên do sự phát thải khí nhà kính quá nhiều. Bên cạnh đó, việc chuyển chế độ dinh dưỡng từ ăn thịt động vật sang ăn thực vật, theo các nhà khoa học là hoàn toàn phù hợp với cấu trúc cơ thể của con người.

Ngành chăn nuôi súc vật để lấy thịt dùng cho bữa ăn đang phát triển với tốc độ phi mã, nhất là ở những nước đang phát triển. Lượng thịt sản xuất trên thế giới tăng lên rất nhanh trong những năm cuối của thế kỷ 20. Mỗi năm người ta giết mổ khoảng 60 tỉ gia súc để lấy thịt.

Từ năm 1950 đến năm 2000, lượng thịt sản xuất trên thế giới đã tăng từ 45 triệu tấn lên 233 triệu tấn, tức là khoảng 5 lần trong khi dân số trên thế giới chỉ tăng gấp đôi. Lượng thịt tiêu thụ hàng năm tính theo đầu người ở các nước đang phát triển tăng lên từ 14 đến 28 kg giữa các năm 1980 và 2002, con số tương ứng ở các nước phát triển là 73kg và 78kg.

Ngành chăn nuôi gia súc để lấy thịt không những tạo ra những lượng khí nhà kính khổng lồ, gây biến đổi khí hậu, mà còn là một nguồn quan trọng gây ô nhiễm môi trường.

Những chất khí như mêtan, amoniac… bay ra từ chất thải và phân súc vật gây ô nhiễm không khí trầm trọng chung quanh các trại chăn nuôi lớn. Những chất thải ra từ các trại chăn nuôi vào các nguồn nước có thể là ni-tơ -dưới dạng amoniac- gây ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài ra, ammoniac trong không khí sẽ gây ra những trận mưa axit rất nguy hiểm. Nitrát là một chất có hại cho sức khỏe con người, nhất là trẻ em, nếu uống nước có lẫn các nitrat. Phốtpho có trong phân súc vật thải vào các nguồn nước cũng là một chất gây ô nhiễm, tuy không độc như ni-tơ.

Trong một tài liệu của Tổ chức Lương Nông quốc tế năm 2004, người ta đã xác định lượng nitơ và phốt pho chảy vào biển Đông từ Việt Nam, Thái Lan và tỉnh Quảng Đông của Trung quốc có nguồn gốc từ công nghệ chăn nuôi heo.

Các loại vi sinh vật và ký sinh trùng thải ra từ phân, rác chăn nuôi cũng là một hiểm họa lớn cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi còn thải vào các nguồn nước uống những kháng sinh, hoóc môn tăng trọng đã được đưa vào thức ăn gia súc. 

Chăn nuôi và hậu quả

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Thực Phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nói:

“Hóa chất bảo vệ thực vật ở trong người chúng ta đa số có nguồn gốc từ động vật chứ không phải từ thực vật. Lý do là vì động vật ăn thực vật, thì phải ăn khoảng một chục ký thực vật mới có thể cho một ký thịt, nên chúng tích lũy những chất độc bên trong thịt của chúng, mà trong thức ăn của động vật, thì hoá chất còn nặng hơn thức ăn cho người. Các loại rau quả trồng cho động vật người ta phun xịt các loại hóa chất vô tội vạ. Mà chưa kể các chất này được tích lũy bên trong thịt chúng ta không rửa được, còn đối với những loại rau, củ, quả coi vậy như chứ thường là chúng nằm trên bề mặt nên chúng ta có thể ngâm rửa hoặc gọt vỏ đi thì có thể loại trừ các hoá chất được.

Cho nên, nhiều khi bà con rất lo những loại hóa chất trên thực vật nhưng chính động vật lại là nguồn nguy hiểm hơn. Theo tài liệu thì đến 90% gia súc ở Mỹ người ta có sử dụng hormon tăng trưởng trong khi chăn nuôi chúng.”  

Ngoài các tác động đến môi trường của những phân, rác trong chăn nuôi thì các khâu giết mổ, thuộc da …cũng đều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các kim loại nặng do súc vật thải ra sau khi ăn các thực phẩm có trộn thuốc chữa bệnh hay thuốc tăng trọng cũng có hại cho sức khỏe con người.

Việc sử dụng nguồn tài nguyên nước của ngành chăn nuôi là một tác động lớn đến môi trường, đặc biệt quan trọng ở các vùng khô cằn, thiếu nước. Ngành chăn nuôi cần rất nhiều nước, sử dụng 80% lượng nước do con người khai thác không những để cho súc vật uống, mà còn trong việc trồng cây thực phẩm cho súc vật.

Ngành chăn nuôi cũng chiếm giữ rất nhiều diện tích đất để làm các đồng cỏ và để trồng các cây thực phẩm cho súc vật. Khoảng 70% rừng vùng Amazon đã bị phá để dùng cho chăn nuôi. Đất làm đồng cỏ chiếm đến 26% diện tích đất trên thế giới không bị băng tuyết bao phủ, đất trồng thức ăn chăn nuôi chiếm 33% đất trồng trọt được trên thế giới.

Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, hoạt động của ngành chăn nuôi còn góp phần vào việc làm biến đổi khí hậu khi tạo ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất ấm lên.

Chăn nuôi tạo ra nhiều khí thải nhà kính trong rất nhiều khâu, từ việc phá rừng để dành đất trồng trọt các thức ăn cho gia súc, sản xuất phân đạm, sử dụng nhiên liệu trong các máy nông nghiệp, v.v… Các gia súc thuộc loài nhai lại còn phát ra khí mê tan qua việc tiêu hoá trong ruột của chúng và phân súc vật nếu không được ủ kín sẽ cho thoát khí mêtan và oxit nitrơ ra không trung.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tạo ra 22% khí thải nhà kính trong lượng khí thải tổng cộng phát tán ra không trung. Trong số đó, chăn nuôi đóng góp đến 80%, nghĩa là ngành chăn nuôi tạo ra 18% tổng lượng khí thải nhà kính.

Năm 2007, một nhà nghiên cứu người Nhật đã tính rằng để có được 1 kg thịt bò người ta đã cho thoát ra không trung 36,4 kg khí CO2 tức là tương đương với việc lái xe liên tục trong 3 tiếng đồng hồ, hay quên tắt đèn trong nhà cũng tương đương với việc thắp một bóng đèn 100 watt trong 20 ngày. Khí thải nhà kính có nguồn gốc từ ngành chăn nuôi còn nhiều hơn khí thải nhà kính có nguồn gốc từ mọi phương tiện giao thông trên thế giới chỉ là 14%.

Ăn chay bảo vệ môi trường?

Ngành chăn nuôi là một trong những nguồn phát ra lượng khí thải CO2 cao, nên muốn giảm lượng khí thải này thì một biện pháp hữu hiệu là giảm số lượng súc vật chăn nuôi và giảm lượng thịt tiêu thụ trong các bữa ăn, và như thế có nghĩa là nên ăn chay.

Tại thành phố Ghent /Gand/ ở Bỉ, chiến dịch ăn chay đang được triển khai rầm rộ nhằm khuyến khích người dân mỗi tuần ăn chay một ngày để bảo vệ môi trường và chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu. Đây là thành phố đầu tiên ở châu Âu và có lẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới có cách làm mới này.  

Thành phố Ghent lâu nay nổi tiếng thân thiện với môi trường vì đã có nhiều hành động bảo vệ môi trường như đặt tuốc bin gió ở ngoại ô và khuyến khích đi xe đạp. Và nay, thêm một hành động nữa - Thứ năm hàng tuần sẽ là ngày không ăn thịt, hoặc ngày “Ăn chay”. 

Ông Tom Balthazar, Phó Thị trưởng thành phố này cho biết: “Có 5 lý do khiến chúng tôi đưa ra chiến dịch này, trong đó quan trọng nhất là vì môi trường. Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp sản xuất thịt qui mô lớn có ảnh hưởng rất tiêu cực tới môi trường, ngành này thải ra 18% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và chúng ta cần khắc phục điều này vì tương lai”. 

Ông Balthazar cũng cho rằng: “Ăn chay sẽ giúp tiết kiệm nguồn nước, vì để sản xuất 1 kg thịt tốn rất nhiều nước. Ngoài ra, ăn ít thịt cũng sẽ rất tốt cho sức khoẻ vì giảm nguy cơ bị bệnh tim, tiểu đường và béo phì.  Tuy nhiên, việc ăn chay là tự nguyện chứ không bắt buộc.”

Người dân của thành phố có 240 ngàn dân này cũng đã tích cực hưởng ứng chiến dịch ăn chay.  

Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định một chế độ ăn chay cũng có thể cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết lấy từ nguồn thực vật đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng cho mọi lứa tuổi. Qua khảo sát, người ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc thực vật hơn trong bữa ăn sẽ có tỉ lệ mắc các bệnh như tim mạch, ung thư, cao huyết áp… thấp hơn người ăn nhiều thịt động vật.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LifeAndHealth/Vegetarian-regime-helps-save-our-planet-QNhu%20%20-12312009085135.html

Wednesday, March 17, 2010

Bạn Thú Mến Yêu: Người sành điệu không ăn vi cá


 Siêu sao tài tử Hồng Kông 
Lương Triều Vỹ (Tony Leung Chiu Wai) sành điệu,
không ăn vi cá

Hôm qua chúng ta đọc tin về cá mập - cái tên nghe thật đồ sộ như vóc dáng của các bạn thú này, nhưng thật các bạn ấy đang bị loài người tấn công vô cùng dã man và chết thảm thương chỉ vì những chén súp vi cá trên bàn ăn của nhân loại. 

Bài tường thuật sau đây của Bích Giang được đăng trên Tuổi Trẻ tuy đã hơn 5 năm qua (ngày 23 tháng 10 năm 2004), nhưng đến nay tình trạng cá mập bị tàn sát để lấy vi cá vẫn chưa có dấu hiệu tiến bộ khả quan là bao. Xin bạn dành chút thời gian để đọc, để tìm hiểu thêm và thông cảm giùm cho các bạn cá đang chết dần mòn trong biển máu. Cảm ơn Bích Giang và Tuổi Trẻ cho bài biên soạn công phu. 

 Bé cá mập bị loài người cắt vi, không bơi được, 
nằm chờ chết dưới lòng đại dương. 
Hàng trăm triệu em bị như thế!

Tưởng cũng nên nhắc nhau 4 điều: 1. súp "vi cá" có thể nấu chay được và rất ngon, trên mạng có nhiều công thức để ta tham khảo, 2. để ngư dân cũng như những người hành nghề đồ tể được an cư sau khi bỏ nghiệp sát sinh, cần sự hỗ trợ của đồng bào, các đoàn thể trong xã hội và chính phủ, nếu không bằng vật chất thì cũng bằng tinh thần, tiếng nói, và lời cầu nguyện - đôi khi chỉ vì sinh kế mà dân nước ta buộc lòng phải làm điều trái với lương tâm mà thôi, họ không đáng trách; 3. chủ nhân các nhà hàng và đầu bếp có nhiều món để cống hiến cho thực khách, không cần phải nấu vi cá để kiếm lời - chuyển sang tiệm chay lại càng có thêm người ăn vì bây giờ người trung niên (còn đang đi làm và có lợi tức) ai cũng sợ thịt cá dầu mỡ dễ bị nghẽn tim, đột quỵ cả; còn các bạn thanh niên thì hăng hái sống xanh cho môi trường, ăn chay là thời trang và cũng là nếp sống bền vững của các bạn trẻ ngày nay; 4. nếu người tiêu thụ trên thế giới (trong đó có người Việt Nam) không ủng hộ việc ăn vi cá, thì không ai bị gợi lòng tham để giết cá và nấu vi cá tranh lợi bao giờ. Hãy suy nghĩ lại trước khi bạn đặt món súp vi cá đầy máu và nước mắt cho ngày vui của bạn!

Siêu sao bóng rỗ Yao Ming kêu gọi mọi người ngưng tiêu thụ vi cá

Hàng trăm triệu cá mập bị giết vì thói quen ăn xúp vi cá

TTCN - Giá mỗi chén xúp vi cá mập lên đến 100 USD hay hơn nữa trong những nhà hàng đặc sản khiến loại vi cá này trở thành một mỏ vàng. Và ở nhiều nơi trên thế giới người ta đang tận diệt cá mập để lấy vây của chúng.

Xúp vi cá mập là một món ăn phổ biến tại châu Á, một thời chỉ dành riêng cho những người giàu có, hiện nó đã thường xuyên xuất hiện tại các tiệc cưới, những bữa tiệc lớn của các công ty hay cả các buổi họp mặt gia đình. Người ta còn tìm thấy món ăn này trên máy bay, được đóng hộp và bán ngay cả tại các cửa hàng tạp hóa. Món đặc sản này bây giờ gần như có thể tìm thấy ở khắp nơi.

Một kỹ nghệ toàn cầu

Người châu Á ăn xúp vi cá mập để chứng tỏ sự giàu có hay thành công, để đón tiếp các vị khách danh dự hay nói cách khác, để củng cố uy tín cá nhân. Đáng buồn là sự bùng nổ nhu cầu này lại dẫn đến sự phát triển của một kỹ nghệ toàn cầu dựa trên sự săn lùng cá mập. Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính số lượng cá mập bị đánh bắt hằng năm lên đến cả 100 triệu con, và con số này có thể còn thấp hơn nhiều so với thực tế.

Nhiều người cho rằng cá mập cũng là cá, vậy săn bắt cá mập có sao đâu? Không hẳn như vậy; người ta săn bắt cá mập hoàn toàn không giống như với các loại cá thương mại khác như cá thu, cá trích, cá ngừ... bởi thịt cá mập không ngon. Do chứa rất nhiều amôniac làm cho có mùi khai khá khó chịu, thịt cá mập có giá trị thương mại rất thấp. Trước đây hầu hết ngư dân đều không quan tâm đến loại cá này, hoặc xem nó là loài có hại.

Tuy nhiên, vi cá mập lại là chuyện khác khi mà giá một chén xúp vi cá mập có thể lên đến 100 USD hay hơn nữa trong các nhà hàng đặc sản. Bắt được cá mập, ngư dân cắt lấy vây chúng và ném phần thân còn lại xuống biển. Thường thì sau khi bị cắt vây, cá mập vẫn còn sống và chìm xuống biển trở thành mồi ngon cho các loài cá khác.

Với nhiều người, thật khó mà thân thiện với cá mập. Chúng lại còn mang nhiều tiếng xấu bởi những cuốn phim của Hollywood như Hàm cá mập, Deep blue sea... Thật ra, cá mập không chỉ là một cái máy ăn thịt ngu xuẩn như được diễn tả trong phim ảnh.

Trước hết, có hơn 400 loài cá mập trên các đại dương và hầu hết đều làm mọi cách để tránh xa con người. Hãy hỏi bất cứ người lặn biển nào, bạn sẽ biết ngay rằng tiếp cận được với cá mập là chuyện rất khó. Vừa nhìn thấy người, chúng đã bơi đi ngay.

Thứ hai, cá mập là loại ăn thịt hàng đầu, điều đó có nghĩa là cá mập không dễ sinh sôi như các loại cá khác. Chẳng hạn, có hàng triệu con cá mòi mới có chừng một tá con cá mập. Bởi cá mập sinh sản chậm và có rất ít con. Giống như người, chúng thường tìm nhau ở tuổi khoảng trên 20 và mỗi con cái có thể chỉ có một con.

Cuối cùng, cá mập giữ một vai trò chủ yếu trong hệ sinh thái dưới nước. Là loài ăn thịt hàng đầu, cá mập là kẻ thu dọn rác dưới đại dương, thanh toán những sinh vật yếu, bệnh dưới nước để giữ cho hệ sinh thái được trong lành và bền vững. Nếu không bảo đảm sự sống của cá mập, hệ sinh thái biển bị đe dọa, khi đó con người sẽ phải chịu những hậu quả không ngờ.

Thủ phạm chính ở châu Á

Không còn nghi ngờ gì nữa, động lực phía sau sự săn bắt cá mập chính là nhu cầu về vi cá chủ yếu của người châu Á. Hầu hết vi cá mập đều tìm đến thị trường châu Á. Có điều, nhu cầu khổng lồ về vi cá ở đây đã dẫn tới việc săn bắt cá mập trên qui mô toàn cầu.

Ở nhiều vùng tại châu Á, việc săn bắt cá mập đã xảy ra từ lâu cho nên số cá mập chẳng còn bao nhiêu. Lặn biển tại hầu hết các dãy đá ngầm ở Đông Nam Á, khó khăn lắm người ta mới nhìn thấy một hai con cá mập nhỏ hiền lành. Do đó, các thương nhân buôn vi cá đã vươn xa hơn, đến Costa Rica, Papua New Guinea, Pohnpei ở Micronesia và những vùng xa xôi tương tự.

Trước đây không ai lưu tâm đến việc săn bắt cá mập tại các vùng xa này, nhưng do ngày càng có nhiều người được cảnh báo về hiểm họa này, dân săn cá mập đã gặp nhiều trở ngại hơn. Chẳng hạn như ở quần đảo Marshall tại Nam Thái Bình Dương, những người lặn biển nhận thấy có nhiều tàu đánh cá đã vào gần bờ hơn bình thường. Mục tiêu của các tàu đánh cá này thật rõ ràng: một số lượng lớn cá mập đang sống quanh đảo Bikini Atoll.

Những cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử của Mỹ nhiều thập niên trước đây trong khu vực đã khiến dân cư trên nhiều hòn đảo phải dời đi, và số lượng cá do đó tăng lên rất nhiều. Con số đông đảo cá mập tại đây đã thu hút nhiều nhà quay phim và lặn biển đến từ khắp thế giới. Cả Đài BBC lẫn kênh truyền hình Discovery đều phát đi những chương trình về cá mập tại Bikini, và những du khách lặn biển cũng đã mang đến nhiều lợi nhuận đáng kể cho quần đảo. Dù vậy, sự phát triển nào cũng có mặt trái: nơi nào người lặn biển đến, dân săn cá mập cũng đi theo. Những con tàu của một công ty Hồng Kông mang tên Edgewater Fisheries đã đến Bikini Atoll.

Khi phải đối chất, Edgewater cũng như một số chính khách địa phương đã chối bay mọi thứ. May mắn là những người lặn biển đã chụp hình và quay phim tại trận. Song với những thế lực mua chuộc được tại địa phương, Edgewater dường như vẫn tiếp tục việc săn bắt cá mập tại Bikini Atoll cho đến khi các email và fax từ khắp nơi trên thế giới tràn ngập văn phòng các quan chức chính quyền tại quần đảo Marshall, các ngư thuyền này sau đó buộc phải neo tại bến và bị phạt 200.000 USD.

Thế nhưng câu chuyện lại diễn tiến như sau: mức phạt thoạt tiên được hạ xuống 110.000 USD, rồi 55.000 USD. Tệ hại hơn, giấy phép đánh cá của Edgewater được gia hạn đến tháng 5-2003, và thế là các tàu đánh cá Hồng Kông này tiếp tục đánh bắt cá mập mà không hề bị phạt vạ gì, và ngay sau đó nó đã bắt đầu tấn công đảo Mili Atoll ở cạnh đó. Những câu chuyện tương tự nhan nhản: môt đàn cá mập lớn ở Cocos Islands; cá mập đầu búa (hammerhead) ở Galapagos; cá mập silvertips ở Myanmar, Maldives đều đang bị săn bắt để lấy vây và đang mau chóng biến mất.

Chống lại cách nào?

Chỉ đến gần đây, những người quan tâm đến việc này mới bắt đầu chống trả. Cách thứ nhất là thông qua pháp lý. Mỹ là quốc gia đầu tiên cấm săn bắt cá mập để lấy vây ba năm trước đây. Một số nước khác cũng làm theo, trong đó có Costa Rica và Ấn Độ là những nước có vùng biển bị dân săn cá mập nhắm đến.

Nhận thức được tầm quan trọng và tính toàn cầu của vấn đề này, Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu tất cả các nước hội viên xây dựng và ban hành những kế hoạch nhằm hạn chế việc săn bắt cá mập. Đáng buồn là những đề nghị này hầu hết đã bị lãng quên, đặc biệt là với những nước châu Á. Những hiệp ước quốc tế gần đây đã đưa ra một số những giới hạn nhằm bảo vệ một số loài cá mập dễ bị tổn hại như cá mập voi charismatic, loại cá mập hiếm basking shark. Nhưng chỉ văn bản không thôi thì cũng chẳng làm được gì.

Như ví dụ nêu trên tại Bikini Atoll, áp lực của các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân thật sự có hiệu quả. Email và fax từ khắp thế giới đã chứng minh rằng sự quan tâm toàn cầu về việc săn cá mập bất hợp pháp trong khu vực đã giúp người dân địa phương gây áp lực với nhà cầm quyền. Hơn nữa, những tổ chức phi chính phủ như WildAid và SharkTrust đang làm việc với các đại biểu chính quyền trên thế giới để cung cấp những tư liệu và dữ kiện nhằm giúp họ có những quyết định sáng suốt trong những chính sách về săn bắt cá mập.

Bất kể bao nhiêu đạo luật đã thông qua, đến nay nhu cầu về vi cá vẫn tăng bởi cơ hội hưởng lợi trên thị trường là quá lớn. May thay, các tiếng nói mạnh mẽ trên công luận báo chí, các cuộc hội thảo, bàn tròn... đã gây được áp lực, đồng thời góp phần giáo dục công chúng ở nhiều nước châu Á về một hành vi xấu trong ẩm thực.

Nhiều công ty lớn tại Singapore đã dẹp bỏ món xúp vi cá trong thực đơn chiêu đãi, liên hoan, thậm chí có biện pháp kỷ luật với nhân viên ăn món vi cá. Tình hình diễn ra tương tự tại Đài Loan, Hồng Kông vốn là các thị trường tiêu thụ lớn nhất vi cá mập. Ngay ngôi sao điện ảnh Lương Triều Vỹ cũng đã bày tỏ công khai sự phẫn nộ của anh đối với món ăn này. Có thể nói, điều duy nhất thật sự làm thay đổi tình hình là việc kiểm soát nhu cầu về ăn vi cá mập ngay tại sân nhà châu Á.

http://dulich.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=52804&ChannelID=100