Saturday, January 16, 2010

Cùng Đọc Sách Hay: “Sống Xanh” của Ngô Thị Giáng Uyên


Trong giai đoạn lịch sử hiện nay của thế kỷ 21, chúng ta đang đối diện với một khủng hoảng vô cùng to lớn, ảnh hưởng đến toàn thế giới. Tiếc thay, "một sự thật mích lòng," "trung ngôn nghịch nhĩ," "lời ngay nghe trái lỗ tai": không một quốc gia, một cá nhân nào ở ngoài vòng kềm tỏa của biến đổi khí hậu, của hâm nóng toàn cầu. 

Ta có thể đóng góp những gì để Địa Cầu tránh khỏi diệt vong, một điều có thể xảy ra ngay trong đời này? Vô cùng đơn giản với hai bước nhỏ: Ăn chay là một. Sống xanh là hai.

Một tác giả trẻ của Việt Nam, cô Ngô Thị Giáng Uyên, đã ra mắt một quyển sách với tựa đề "Sống Xanh." Giáng Uyên sinh năm 1981, tốt nghiệp cử nhân Đại học Ngoại thương và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) Đại học Southampton, Anh quốc. Tác giả đã du hành qua 30 quốc gia.


Trích đoạn bài viết của VNExpress như sau:




Uyên giới thiệu giản dị về cuốn sách: "Những cảm nhận ngắn về con người và lối sống ở Việt Nam hiện nay". Nói giản dị vì từ cách viết, cách thể hiện và ngôn từ của nữ tác giả đều nhẹ nhàng, cô đọng... pha chút đùa tếu của người thích nhẩn nha với nhiều suy nghĩ trong cuộc sống.


"Sống Xanh" tập hợp hơn 100 tản mạn rất ngắn, có bài khoảng chừng 7 chữ, đề cập đến những điều bình thường mà hầu như ai cũng biết, nhưng vì quá bình thường nên có lúc chúng bị bỏ quên trong cuộc sống hối hả hôm nay.


Ví dụ như bạn là một nhân viên văn phòng, năm này tháng nọ trong phòng giấy với chiếc máy lạnh kêu o o... bạn sẽ cảm thấy thế nào khi một lần đứng bên chiếc cửa sổ mở toang để hít căng lồng ngực luồng không khí tự nhiên. Ví dụ, bạn là người thành đạt nơi phố thị nhưng bạn sẽ cảm thấy thế nào khi một lần sắp xếp công việc để về thăm ông bà ở quê, nhẩn nha trên cánh đồng cho chân mình được chạm vào hoa cỏ. Ví dụ một lần nào đó, bạn thử xa máy vi tính, xa tivi, xa chiếc phone đeo tai luôn thường trực, để đọc lại những tiểu thuyết vĩ đại như: Những người khốn khổ, Không gia đình, Đồi gió hú... Biết đâu bạn sẽ thấy cuộc sống khác rất nhiều như bạn vẫn tưởng nó vốn như thế.


Người đọc có thể nghĩ "Tác giả cuốn sách này hơi 'sến'!". Tuy vậy, điểm nhấn của "Sống Xanh" không chỉ là những tâm tình về một lối sống "chậm" để một cá nhân nào đó được tận hưởng khoảnh khắc quý báu, mà cuốn sách còn là sự chia sẻ quan điểm của Giáng Uyên để làm thế nào thế giới xung quanh chúng ta tốt đẹp hơn. Một cá nhân có thể giúp môi trường xã hội lành mạnh hơn thông qua lối sống lành mạnh của mình. Một cá nhân có thể chung tay làm trái đất sạch sẽ hơn từ chính ý thức của mình.


Nói tóm lại, nếu có nhiều màu sắc tượng trưng cho ý nghĩa của cuộc sống, như màu đỏ cho chiến thắng, màu hồng cho tình yêu, màu đen cho sự u ám... thì bạn có toàn quyền lựa chọn "màu" cho cuộc sống của mình. Và tất nhiên, "màu xanh" của sự khỏe khoắn, đâm chồi nảy lộc, của niềm hy vọng xứng đáng nằm trong sự lựa chọn của bạn.

Trích đoạn một vài tản mạn trong "Sống Xanh" của Ngô Thị Giáng Uyên.

Tác giả Ngô Thị Giáng Uyên, Lake Zurich, Thụy Sĩ.

Nhắc nhở những ai xả rác.
 
Độc giả của tôi chắc bản thân không ai xả rác đâu, vì vậy tôi quyết định nâng lên một bậc, bạn nhắc nhở những ai xả rác nhé.
 
Nhớ nhắc nhở nhẹ nhàng thôi, cũng nên chừa những người mặt mũi giang hồ xăm trổ đầy mình, nếu không mang họa vào thân thì tôi ân hận lắm.


Tìm hiểu thêm về những vấn đề môi trường và xã hội.
  Nếu bạn thật sự quan tâm đến những vần đề môi trương và xã hội, chắc chắn cuốn sách này sẽ không đủ “đô” cho bạn đâu (mặc dù tôi đã cố gắng hết sức rồi nhưng lực bất tòng tâm). Để tìm hiểu thêm, bạn dành thời gian vào những trang web sau đây:
  http://www.wearewhatwedo.org/
  http://www.carbonfootprint.com/
  http://www.bbc.co.uk/bloom/


Được cho phép mới hút thuốc.
  Nếu bạn hút thuốc, trước hết xin chia buồn với bạn, vì nguy cơ bị ung thư phổi, bệnh tim mạch, tăng cholesterol, mỡ trong máu cao, đột quỵ... của bạn nhiều hơn người không hút thuốc gấp mấy lần. Nếu chừng đó chưa đủ làm bạn sợ mà vẫn cứ hút thì trước khi châm lửa nhớ xin phép những người bên cạnh, họ đồng ý bạn mới nên hút. Khói thuốc mà người ở gần bạn hít phải, gọi là “second-hand smoke” độc hại cho người đó không kém gì cho chính người hút thuốc.
  Và nếu có bảng cấm hút thuốc, bạn nên tôn trọng.  


Không để thức ăn thừa.
  Đi nhiều nơi, tôi thấy Việt Nam vẫn là nơi người ta để thức ăn thừa nhiều nhất tại các quán ăn, nhà hàng. Tôi chỉ đoán như thế này thôi, có thể đúng cũng có thể sai: Trước đây người mình đói khổ, cho đến khi kinh tế khấm khá lên, không chỉ đủ ăn đủ mặc mà còn dư thức, để thừa thức ăn cũng là một cách chứng tỏ mình đã qua thời kỳ khốn khó. Còn nếu mời ai đi ăn, phải gọi cho thật nhiều để chứng tỏ mình không keo kiệt. Mỗi lần đi ăn ở Việt Nam là tôi ăn muốn “ná thở” vì không muốn để đồ ăn thừa, ai cũng bảo: “Thôi bỏ đi, đâu có đáng bao nhiêu”. Đáng chứ!


Tắt vòi nước khi đánh răng.
  Dù nước ở nhà bạn có miễn phí hay phải trả theo đồng hồ nước cũng không nên lãng phí. Trước đây thỉnh thoảng tôi cũng làm biếng không tắt vòi nước khi đang đánh răng, mặc nhiên để chảy tự do. Nhưng từ khi biết được mỗi lần tắt vòi nước khi đánh răng sẽ tiết kiệm được 9 lít nưỡi mỗi phút, tôi không bao giờ quên tắt vòi nữa.
  Càng tiết kiệm nước, con người càng ít cần phải lấy nước từ những nguồn nước thiên nhiên như sông suối và mạch nước ngầm. Nếu đọc số liệu dưới đây bạn càng thấy rõ lý do:
  “Đại dương chiếm hai phần ba lượng nước trên Trái Đất, nhưng nước biển quá mặn không uống được. Phần lớn nước chúng ta uống đều từ dưới lòng đất, còn lại từ ao hồ và sông suối. Trong tổng số nước trên hành tinh, chỉ có 3% là nước ngọt, hầu hết đóng băng, chút còn lại 1% là nước uống”.
(Nguồn: http://www.eco-active.je/water/AtSchool/wateratschool.htm  )
 
Vì vậy trước khi dùng nước một cách thoải mái, bạn nhớ lại những số liệu này. Nguồn nước ngọt có hạn, bạn tiết kiệm cùng với tôi nhé.
 
Mở ngoặc, “nước ngọt" ở đây là nước uống chứ không phải nước ngọt Coca, Pepsi đâu nghen! (Tôi biết bạn biết mà, nhắc chừng vậy thôi).


Tắt điện.
  Có lẽ đây là việc làm dễ nhất trong cuốn sách này (chắc chỉ thua tắt vòi nước khi đánh răng). Để điện sáng khi không có ai trong phòng thật sự là một việc rất lãng phí. Một bóng đèn bình thường dùng khoảng 60 watt năng lượng mỗi giờ, nếu mỗi ngày bạn tắt điện trong vòng một giờ, sẽ tiết kiệm được 22.000 watt mỗi năm. Vì vậy bạn nhớ tắt điện sau khi rời khỏi phòng nhé. 


Không ăn động thực vật quý hiếm.
  Hồi còn nhỏ, khoảng chừng chín mười tuổi tôi rất thích ăn các loại thịt rừng như nhím, heo rừng, nai vì lạ miệng. Thời đó những hàng bán món ăn này không quá khó kiếm và cũng chưa ai có ý thức về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã. Nhưng kể từ khi tôi biết được tầm quan trọng của việc giữ gìn động thực vật hoang dã, không bao giờ tôi đụng tới món ăn này nữa, dù thích cách mấy. Có người nói đại loại như ăn thịt nai có khác gì ăn thịt heo thịt bò, nếu đã không ăn thịt nai thì thôi ăn chay luôn đi. Quả thật suy nghĩ đó vẫn còn tồn tại, vì giáo dục và ý thức chưa đủ, không ít người chưa thấy rõ được việc tiêu thụ thịt rừng đã làm hệ sinh thái môi trường mất cân bằng nghiêm trọng. Có những người biết được điều này nhưng lại thờ ơ, bởi cho rằng hệ sinh thái môi trường không liên quan trực tiếp đến mình.
  

  Một bài báo đề cập vấn đề này: “Theo khuyến cáo từ Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới, hiện ở Việt Nam có gần 700 loài động thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng ở cấp toàn cầu. Đặc biệt, có 49 loài thuộc dạng cực kỳ nguy cấp. Dự báo trong vài năm tới, chúng ta sẽ phải chứng kiến sự tuyệt chủng của một số loài động thực vật hoang dã ở mức độ chưa từng thấy trong lịch sử kèm theo các tác hại tiềm tàng về môi trường và kinh tế”. Bài báo có nhắc đến việc Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Peter Lysholt Hansen từng nói: “Tôi hiểu thói quen tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã đã ăn sâu vào văn hóa người Việt, thói quen đã hình thành qua nhiều thế kỷ sẽ rất khó thay đổi”. Chính vì vậy, Vương quốc Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam từ năm 2005-2007 một dự án có tên “Thay đổi hành vi-giảm tiêu thụ các sản phẩm động thực vật hoang dã”. (Báo Khánh Hòa 1-7-2006). Khi dự án được tài trợ kết thúc, hy vọng hoạt động này vẫn được nhà nước lưu tâm.
  

  Bạn có thể đóng góp vào việc cải thiện môi trường bằng cách không ăn thịt thú rừng, vi cá mập... và nhắc nhở người thân làm theo. Có bạn nói “cá mập tấn công người, ác vậy ăn thịt nó có sao đâu”, nhưng chuyện gì ra chuyện đó chứ bạn. Bản thân tôi chừng thấy cá mập dễ sợ chứ không dễ thương như hươu nai, song nếu nó bị tuyệt chủng, hệ sinh thái đại dương sẽ mất cân bằng nghiêm trọng đó bạn.


Quyển "Sống Xanh", tác giả Ngô Thị Giáng Uyên, Nhà xuất bản Trẻ, có thể đặt mua qua nhà sách trên mạng: Vinabook.com

Mong tác giả Ngô Thị Giáng Uyên của "Sống Xanh" sẽ nghiên cứu và viết thêm về một yếu tố khác là "Ăn Chay" để quân bình một phương trình quan trọng, giúp trái đất này thành một nơi cư ngụ thanh bình, đẹp đẽ, từ trong ra ngoài, từ những tâm hồn nhân hậu đến lối cư xử quý phái của những người con Thượng Đế. 

Sống Xanh + Ăn Chay = Địa Cầu Đẹp